70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc

Cho đến nay, có gần 70.000 người làm việc cho các startup công nghệ trên toàn cầu bị mất việc vì ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, điểm sáng phục hồi của kinh tế toàn cầu đang được thắp lên tại châu Á, với tín hiệu tăng trưởng trở lại của Trung Quốc và sự thịnh vượng của tỷ phú Ấn Độ.
70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc
Theo báo cáo của công ty tư vấn đầu tư BuyShares, gần 70.000 người làm việc trong các startup công nghệ trên thế giới đã mất việc từ tháng 3 do ảnh hưởng của Covid-19. Trong số này, có khoảng 25.500 người thuộc các công ty nổi tiếng tại thung lũng Silicon (Mỹ) như Uber, Groupon, Airbnb. Cụ thể, trong tháng 5, Uber công bố cho nghỉ 6.500 nhân viên, chiếm khoảng 1/4 tổng số lao động. Một tháng trước đó, Lyft cũng sa thải 17% nhân viên.
Báo cáo của BuyShares ghi nhận các startup công nghệ chịu tổn thất nhân lực nhiều nhất thuộc các lĩnh vực vận tải, bán lẻ, tài chính và du lịch. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ về vận tải giảm hơn 14.000 việc làm, startup bán lẻ giảm hơn 9.100, các startup công nghệ về tài chính và du lịch lần lượt khoảng 8.500 và 8.200 người.
Lý do cắt giảm lao động được cho là để bù đắp vào sự thiếu hụt vốn đầu tư. Theo công ty nghiên cứu thị trường CB Insights, trong quý I, nguồn vốn đầu tư đổ vào các startup trên toàn thế giới chỉ ở mức khoảng 67 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo việc sa thải nhân viên ở các startup công nghệ sẽ tạo ra nhiều trở ngại cho phụ hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty đang muốn dựa vào chuyển đổi số để vực dậy sau Covid-19.
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng lại
Sau khi suy giảm đến 6,8% trong quý I/2019 vì Covid-19, GDP nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng trở lại, với mức 3,2% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có nghĩa Trung Quốc đã tránh được rơi vào một cuộc suy thoái, được xác định khi nền kinh tế có 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp.
So với dự báo trước đó của các chuyên gia, đây là mức tăng trưởng quý cao hơn kỳ vọng. Tuy nhiên, sức khỏe của nền kinh tế này vẫn chưa hoàn toàn khả quan bởi các lĩnh vực không phục hồi đồng đều. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng 4,8% trong tháng 6 so với năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 3 tăng trưởng liên tiếp. Tuy nhiên, tiêu dùng vẫn còn yếu, với doanh số bán lẻ giảm 1,8% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp số liệu này đi xuống, trái ngược với dự báo là tăng 0,3%. Đầu tư vào tài sản cố định cũng giảm 3,1% trong nửa đầu năm so với năm ngoái.
Quyết định phong tỏa, dừng hoạt động kinh doanh để khống chế dịch trong quý đầu năm, Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên bị đại dịch tác động nhưng cũng là người đang dần thoát khỏi khó khăn trước. Dù vậy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường xác nhận họ vẫn còn một cuộc chiến khó khăn ở phía trước. Covid-19 vẫn bùng phát tại Mỹ, đe dọa nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc. Trong nước, thất nghiệp và lo ngại sức khỏe khiến người Trung Quốc ngại chi tiêu.
Người giàu nhất châu Á lọt Top 6 tỷ phú thế giới
Theo Bloomberg Billionaires Index, sau khi vượt huyền thoại đầu tư Warren Buffett cuối tuần trước, tài sản của người giàu nhất châu Á - ông chủ Reliance Industries Mukesh Ambani (Ấn Độ)- tiếp tục tăng mạnh, lên 72,4 tỷ USD.
Nhờ vậy, mức độ giàu có của ông Mukesh Ambani đã vượt qua CEO Tesla - Elon Musk và hai đồng sáng lập Google: Sergey Brin, Larry Page, trở thành người giàu thứ 6 thế giới. Chỉ mới một tháng trước, ông cũng là đại diện duy nhất của châu Á vào top 10 tỷ phú thế giới.
Ông Mukesh Ambani tham gia công ty gia đình từ đầu thập niên 80. Sau khi người cha Dhirubhai Ambani qua đời, ông chia đôi công ty với em trai Anil, tiếp quản mảng lọc dầu, hóa dầu, dầu khí và dệt may. Việc kinh doanh của Mukesh khá thành công, ông dần lấn sân mảng viễn thông, thương mại điện tử và trở thành người giàu nhất châu Á cách đây vài năm. Hiện tại, đế chế kinh doanh đa ngành với trụ cột là năng lượng của ông Ambani đang dần chuyển sang thương mại điện tử.
Anh cấm dùng thiết bị 5G của Huawei
Hôm 14/7, Hội đồng An ninh Quốc gia Anh (NSC) công bố quyết định cấm dùng thiết bị của Huwei với Hạ viện nước này. Theo đó, các nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ có thêm thời gian tới 2027 để loại bỏ các thiết bị Huawei đã lắp đặt ra khỏi hệ thống. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty này. Theo Reuters, quyết định này có ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với công ty viễn thông Trung Quốc do Mỹ là đồng minh lâu năm của Anh.
Đầu năm nay, Anh vẫn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy. Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ, nước này đảo ngược quyết định hồi tháng 5, chỉ cho phép Huawei tham gia phát triển hạ tầng 5G ở nước này nhưng giới hạn ở mức 35% và sẽ không được tiếp cận các hệ thống cốt lõi.
Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Anh, Liu Xiaoming, cảnh báo việc Anh loại bỏ Huawei sẽ tạo một "thông điệp rất xấu" trong mối quan hệ của nước này với doanh nghiệp Trung Quốc. Trước hành động nói không với Huawei, Anh có khả năng nhận sự đáp trả mạnh mẽ của Trung Quốc, trong bối cảnh quốc gia này đối mặt với kinh tế sụt giảm vì đại dịch, khủng hoảng việc làm và nguy cơ Brexit không thỏa thuận.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Anh vào năm 2019, sau Mỹ và EU, đóng góp 4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ của Anh với quy mô kỷ lục 30,7 tỷ bảng (38,7 tỷ USD). Tương tự, đầu tư của Trung Quốc vào Anh cũng rất quan trọng. Trong một thập kỷ qua, giá trị các khoản đầu tư và hợp đồng của Trung Quốc tại Anh đã vượt 81 tỷ USD, theo Viện Doanh nghiệp Mỹ.
Các cuộc gọi lừa tiền lại bùng phát
Tuần qua, VPNT cho biết đã tiếp nhận nhiều phản ánh của khách hàng về các cuộc gọi mạo danh lừa đảo. Trong đó, một khách hàng bị lừa mất 700 triệu đồng vì cuộc gọi mạo danh. Trước tình hình phức tạp này, VPNT cảnh báo khách hàng có 2 kịch bản là lừa đảo phát sinh cước quốc tế và mạo danh các cơ quan để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Với hình thức mạo danh, tội phạm thường gọi điện, nhắn tin mạo danh công an, viện kiểm sát để hù dọa nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền... Sau đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản, mật khẩu để phục vụ công tác điều tra. Ngoài ra, một số trường hợp cuộc gọi, tin nhắn thông báo có quà từ nước ngoài nên yêu cầu người nhận chuyển khoản tiền phí mới nhận được quà. VPNT khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.
Một hình thức các là thuê bao nhận được các cuộc gọi nhỡ từ các đầu số nước ngoài như Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226), đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài, nhằm mục đích lôi kéo lừa khách gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Các cuộc gọi này thường vào buổi tối hoặc nửa đêm khi khách hàng còn ngái ngủ, lừa tưởng người thân gọi về Việt Nam có chuyện cần gấp.
Các cuộc gọi đó có đặc điểm xuất hiện hiện dưới dạng nháy máy hoặc có kết nối thời lượng rất ngắn với nội dung thông báo yêu cầu khách hàng gọi lại. Với tin nhắn cũng sẽ có nội dung yêu cầu gọi lại. Nhà mạng khuyến nghị, chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/70000-nhan-vien-startup-cong-nghe-mat-viec-6499.html
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Sáng tạo chỉ 1 hay hàng trăm video đều có thể trở thành Youtuber nổi tiếng
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Top 10 cuộc thi NTT Startup Challenge 2020
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- CEO Kyber Network Lợi Lưu: “Blockchain là cơ hội bứt phá về công nghệ cho người Việt”