Thấy gì qua những con số?

Thuocsi.vn của startup BuyMed huy động vốn thành công 2 triệu USD; Việt Nam có thể không đạt được mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào cuối năm 2020; Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế 1,000 tỷ USD hàng Trung Quốc... là những con số đáng chú ý tuần qua.
Covid-19 khiến Việt Nam lỡ hẹn mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của Covid-19 nên Việt Nam dự kiến chỉ có khoảng 900.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2020, thấp hơn mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp đã đề ra.
Cũng do ảnh hưởng của đại dịch, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập chỉ đạt hơn 80% cùng kỳ, giảm cả về số lượng, quy mô, vốn đăng ký trung bình. Trước đó, trong số liệu quý I, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp ngừng kinh doanh còn tăng cao hơn. Trong ba tháng đầu năm, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4%, 14.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động nhưng số ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26%.
Theo Sách trắng doanh nghiệp, đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, chiếm hơn 67%, theo sau là khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,6%, còn lại là nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Xét về quy mô vốn, phần lớn số doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 93,7% tổng số doanh nghiệp. Cả nước chỉ có hơn 17.000 doanh nghiệp quy mô lớn, chiếm 2,8%, và cũng là nhóm doanh nghiệp tạo ra phần lớn doanh thu.
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn nhưng tạo ra chỉ hơn 4,1 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, chiếm 17%. Vụ Thống kê Công nghiệp lý giải, các doanh nghiệp nhóm này chủ yếu có trang thiết bị kỹ thuật có thể lạc hậu vài thập kỷ. Phần lớn có quy mô dưới 10 lao động, quy mô vốn đầu tư thấp nên việc áp dụng khoa học công nghệ là điều không dễ, khiến năng suất lao động kém.
Xuất khẩu khẩu trang tăng mạnh
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã xuất khẩu 415,7 triệu chiếc khẩu trang từ đầu năm đến ngày 19/4. Tổng trị giá các lô hàng là 63,2 triệu USD, tương đương khoảng 3.500 đồng một chiếc. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu gần 88,2 triệu chiếc khẩu trang, chủ yếu là khẩu trang vải, vải chống bụi mịn, 2 lớp cotton.., với giá trị 34 triệu USD.
Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gần đây liên tục nhận đơn đặt hàng khẩu trang từ Mỹ và các nước châu Âu do dịch Covid-19 lan rộng. Hiện tại, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu trang lớn nhất của Việt Nam với 32,7 triệu chiếc. Sau đó lần lượt là Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Hong Kong, Singapore, Ba Lan, Australia...
Đến hôm 29/4, Thủ tướng đã ký Nghị quyết 60 về xuất khẩu khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống Covid-19. Theo đó, quy định cấp giấy phép xuất khẩu khẩu trang y tế tại Nghị quyết 20/2020 được bãi bỏ. Tức là khẩu trang y tế sẽ được xuất khẩu không giới hạn về số lượng. Do vậy, dự báo lượng khẩu trang y tế xuất khẩu cũng sẽ tăng mạnh thời gian tới.
Các gói bảo hiểm Corona bị rà soát pháp lý
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết sẽ làm việc trực tiếp với những doanh nghiệp đã và đang triển khai các gói bảo hiểm liên quan đến Covid-19. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật nếu sai phạm trong quá trình triển khai các sản phẩm bảo hiểm liên quan tới Covid-19.
Trước đó, Bộ Tài chính cho biết, Công ty Bảo hiểm Vietinbank, Bảo hiểm Hàng không, Bảo hiểm Quân đội, Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội, Bảo hiểm Bưu Điện đã lấy chữ Corona là tên thương mại của gói bảo hiểm dù sản phẩm không có điều khoản cụ thể về bảo hiểm cho dịch. Sau khi nhiều công ty quảng cáo bán các gói bảo hiểm Corona, Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu không giới thiệu và triển khai gói bảo hiểm liên quan đến đại dịch. Các công ty sau đó dừng bán các gói bảo hiểm nhưng cam kết duy trì hiệu lực cho các hợp đồng đã ký với khách hàng.
Tổng thống Mỹ dọa áp thuế 1.000 tỷ USD hàng Trung Quốc
Hôm 30/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố có bằng chứng liên kết virus gây bệnh Covid-19 với một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Ông cảnh báo có thể lựa chọn biện pháp đánh thuế hàng hóa Trung Quốc trị giá lên tới 1.000 tỷ USD để trả đũa.
Về phần mình, Viện Virus học Vũ Hán đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc và khẳng định SARS-CoV-2 không xuất phát từ cơ sở của họ. Nhiều chuyên gia cũng tin rằng virus có nguồn gốc từ chợ hải sản ở Vũ Hán và đã truyền từ động vật sang người. Mới đây, tình báo Mỹ khẳng định, SARS-CoV-2 không phải do con người tạo ra, cũng không phải bị biến đổi gen. Quan điểm tương tự với lập trường đã tuyên bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Startup phân phối thuốc Việt Nam nhận 2,5 triệu USD vốn đầu tư
Nền tảng phân phối thuốc Thuocsi.vn của startup có tên BuyMed vừa huy động thành công 2,5 triệu USD trong vòng Seria A từ Sequoia Capital Ấn Độ và Genesia Venture. Thành lập năm 2018, doanh thu của BuyMed tăng gấp 3 lần sau 12 tháng vận hành. Hiện đơn vị lên kế hoạch mở rộng phân phối sang lĩnh vực mỹ phẩm, thiết bị và dịch vụ y tế, thực phẩm chức năng...
BuyMed đặt mục tiêu trở thành một sàn trực tuyến, đưa sản phẩm đến các đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại khu vực. Hiện có 700 nhà cung cấp, đơn vị sản xuất và phân phối được xác minh trên nền tảng và phục vụ khoảng 7.000 đơn vị cung cấp dịch vụ sức khỏe.
CEO BuyMed - Peter Nguyễn, cho biết Việt Nam vẫn chưa có một nhà phân phối đa thương hiệu chính thức. Phần lớn các đơn vị sản xuất cũng như thương hiệu dược phẩm tự thành lập mạng lưới phân phối riêng. Điều này khiến quy trình cung cấp thuốc và dược phẩm đến các đơn vị khám chữa bệnh bị phân mảng. "Tình trạng này cũng xảy ra tại nhiều quốc gia Đông Nam Á. Do đó chúng tôi có nhiều cơ hội phát triển ra khu vực", Peter Nguyễn nói.
Trong 2 tháng qua, số người dùng của Thuocsi.vn tăng liên tục khi nhiều công ty dược phẩm của Việt Nam tìm kiếm kênh phân phối trực tuyến trong bối cảnh Covid-19.
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- “Việt Nam ơi! Đánh bay Covid” - Dự án âm nhạc cộng đồng đầu tiên nhận được sự ủng hộ chính thức từ Bộ Y Tế
- Đừng bỏ quên sức khỏe tinh thần trong đại dịch
- “Sức khỏe” doanh nghiệp Việt đang dần hồi phục; Kinh tế toàn cầu sắp thoát đáy...
- Bill Reichert cho rằng để gọi vốn đầu tư thành công chỉ nên trình bày dự án trong 20 giây
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Mô hình O2O – Phần 3: Phát triển hay tàn lụi vì thương mại điện tử?
- Mảng thương mại điện tử cốt lõi vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” mùa Covid
- Grow-hack cho startup Việt
- Startup Việt: “Chơi lớn hay ngừng cuộc chơi?”
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Top 10 cuộc thi NTT Startup Challenge 2020
- Từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ: Khi đấu tranh cho lý tưởng không phân biệt tuổi tác
- Công nghệ phát hiện trường hợp nghi nhiễm Coronavirus ngay lập tức
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Nine motivational books for the after-Covid-19 period that you can't miss