Startup Việt: “Chơi lớn hay ngừng cuộc chơi?”

Hai startup công nghệ của Vingroup là VinFast và Vinmart vừa được tỷ phú Phạm Nhật Vượng đặt mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ; Trong khi các vụ phá sản của một số startup cũng có tiếng như Leflair và Wefit vẫn còn nóng bỏng thì startup Soya Garden tuần qua quyết định ngưng hoạt động hàng loạt cửa hàng.
VinFast, Vinmart nhắm đến thị trường Mỹ
Hôm 28/5, Vingroup họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trực tuyến từ nhiều điểm cầu khác nhau do bối cảnh đại dịch. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup cho biết hai trọng tâm mới của tập đoàn chính là công nghệ và sản xuất. Ông xem VinFast, Vinmart là chính là hai startup và "cần đặt mục tiêu cao, nghiêm khắc" nên cả hai sẽ chinh phục ở thị trường khó nhất là Mỹ. Sau khi đạt sản lượng nhất định tại Mỹ mới triển khai các thị trường khác.
Người đứng đầu Vingroup cho biết cả hai mảng sản xuất xe VinFast và điện thoại thông minh Vinmart đang đi theo đúng lộ trình đặt ra. Công ty sản xuất của Vingroup đã thử nghiệm lăn bánh ôtô điện đầu tiên, trong khi hãng sản xuất điện thoại đã ra mắt đến 12 mẫu trong năm ngoái, doanh số bán đạt 1,2 triệu chiếc. Theo chủ tịch Vingroup hai mảng này phải xác định là đầu tư lớn và kiên trì, chấp nhận bù lỗ trong 3-5 năm để chiếm lĩnh thị trường.
Về mảng công nghệ, ông Phạm Nhật Vượng cho biết đang phát triển tốt, ban đầu đã tạo những sản phẩm mang tính ứng dụng. Mảng công nghệ sắp tới đóng vai trò bổ trợ mảng sản xuất, sản xuất các thiết bị thông minh. Với mục tiêu phát triển ổn định và bền vững, năm 2020, Vingroup đặt mục tiêu doanh thu thuần khoảng 145.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 5.000 tỷ đồng.
"Dậy sóng" luật an ninh Hong Kong
Chiều 28/5, Quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong. Luật sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu. Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố. Dự luật có thể được ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong.
Mỹ, Nhật, Canada, Australia, Anh và EU bày tỏ quan ngại về dự luật, kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị cao của Hong Kong. Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ tước bỏ quy chế thương mại đặc biệt dành cho Hong Kong, khiến thành phố này có nguy cơ mất vị thế trung tâm tài chính châu Á.
Đáp lại, Trung Quốc nói dự luật củng cố nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ", phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển. Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam bác bỏ những chỉ trích cho rằng dự luật sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của thành phố và trấn an người dân rằng dự luật không ảnh hưởng đến các quyền và tự do của họ.
Trên Financial Times, một số lãnh đạo doanh nghiệp ở Hong Kong, như hãng luật, ngân hàng, cho biết họ sẽ chấp nhận luật mới nếu nó giúp thành phố này bình yên trở lại. Họ thay đổi quan điểm sau khi Hong Kong chuyển từ một nơi an toàn, dễ kinh doanh thành địa điểm thường xuyên diễn ra biểu tình, gây khó khăn cho việc làm ăn.
Cổ phiếu Twitter, Facebook lao dốc vì Trump
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tước quyền miễn trừ pháp lý của các mạng xã hội, cổ phiếu của Twitter giảm 4,4% và Facebook giảm 1,6% chốt phiên 28/5. Tổng thống Mỹ đã chỉ đạo Bộ trưởng Tư pháp William Barr làm việc với các bang để áp dụng luật. Ông khẳng định luật này sẽ hạn chế các hoạt động kinh doanh mà ông gọi là lừa đảo của các công ty điều hành mạng xã hội.
Hai mạng xã hội này "mất giá" trong bối cảnh chỉ số DJIA giảm 0,58% xuống 25.400 điểm, S&P 500 mất 0,21% về 3.029 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 0,46% xuống 9.368 điểm. Theo giới đầu tư, các nguyên nhân khác kéo chứng khoán Mỹ đi xuống có thể là căng thẳng Mỹ - Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuống dốc vài tuần gần đây. Việc này có thể đe dọa đà phục hồi của chứng khoán Mỹ. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ có thể đối xử với Hong Kong như Trung Quốc trong nhiều vấn đề. Phát ngôn này lặp lại tuyên bố một ngày trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về việc không coi Hong Kong là thành phố tự chủ nữa.
Vua sòng bài Macau qua đời
Tỷ phú Stanley Ho Hung-sun, nhà tài phiệt lãnh đạo đế chế casino lớn nhất châu Á - SJM Holdings - đã qua đời ở tuổi 98 hôm 26/5. Ông là người đã đưa tập đoàn chuyên kinh doanh sòng bài tại Macau SJM Holdings trở thành một trong những công ty điều hành sòng bài lớn nhất thế giới. Tên tuổi của ông cũng gắn liền với sự trỗi dậy của Macau trong quá trình vượt Las Vegas thành kinh đô sòng bài toàn cầu.
Ông Stanley Ho từng là một trong những người giàu nhất châu Á suốt hàng thập kỷ. Tài sản của ông ước tính vào khoảng 50 tỷ đôla Hong Kong (6,4 tỷ USD) khi nghỉ hưu năm 2018. Ông có 17 người con với 4 người vợ. Ông từng phải tái cấu trúc công ty sau một cuộc chiến pháp lý giành tài sản và quyền lực giữa các thành viên trong gia đình năm 2012.
Hiện nay, thế giằng co giữa hai phe lớn nhất trong gia đình ông Ho vẫn duy trì. Bà Pansy Ho, con gái lớn của người vợ hai đứng đầu một nhóm các anh chị em đối đầu với bà Angela Leong, là vợ tư của ông Ho. Hiện tại, bà Daisy Ho, em cùng mẹ của bà Pansy Ho đang giữa ghế chủ tịch kiêm CEO SJM Holdings. Trong khi đó, và Leong giữ ghế đồng chủ tịch của SJM và là giám đốc Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM), công ty kiểm soát SJM.
Startup Soya Garden đóng cửa hàng loạt
Thời gian gần đây, hệ thống chuỗi sữa đậu nành Soya Garden liên tiếp trả mặt bằng nhiều địa điểm kinh doanh. Tại TP HCM, đã có khoảng 7 trên 10 cửa hàng bị đóng cửa. Trong khi đó, 3 trên 10 cửa hàng của Soya Garden tại Hà Nội cũng đã dừng kinh doanh. Việc Soya Garden rơi vào khó khăn khiến nhiều người lo ngại về nguy cơ một startup nữa lại chia tay thị trường, nhất là các vụ phá sản của một số startup cũng có tiếng như Leflair và Wefit vẫn còn nóng bỏng.
Tuy nhiên, phản hồi với báo chí, ông Hoàng Anh Tuấn, CEO của Soya Garden, phủ nhận việc đóng cửa hoàn toàn hệ thống mà chỉ trong qua trình chuyển đổi mô hình kinh doanh để phù hợp hơn với thị trường. Phía Soya Garden cũng không phủ nhận, chính dịch Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến quyết định đóng cửa các chi nhánh.
Soya Garden là thương hiệu đậu nành hữu cơ được ông Hoàng Anh Tuấn thành lập năm 2016 và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng từ Shark Nguyễn Ngọc Thủy thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2017. Sau khi chốt deal trên truyền hình, Egroup thậm chí nâng quyết định đầu tư lên 20 tỷ cho giai đoạn đầu để Soya Garden mở 50 cửa hàng gồm 30 cửa hàng ở thị trường miền Bắc và 20 cửa hàng ở thị trường miền Nam. Đầu năm 2019, Egroup này tiếp tục rót 45 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư tại thương hiệu này lên hơn 100 tỷ đồng.
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Nhà sáng lập Seed Planter: Làm doanh nghiệp tạo tác động xã hội “khó mà dễ”
- “Cơn sốt” malware, virus hay ransomware… cảnh báo mối nguy cho doanh nghiệp về bảo mật
- #WeFitDeath: Startup hãy thực tế và thôi mơ mộng!
- Grow-hack cho startup Việt
- Tony Wheeler lý giải vì sao startup Việt vẫn chưa tạo nên đột phá lớn
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Top 10 cuộc thi NTT Startup Challenge 2020