41 triệu dữ liệu người dùng Facebook Việt Nam “bị lộ” trong khi #WorkFromHome chủ yếu chia sẻ dữ liệu trực tuyến

Trong khi toàn quốc kích hoạt #WorkFromHome với rất nhiều chia sẻ gói miễn phí hỗ trợ học tập và làm việc trực tuyến cho mọi người, các công ty công nghệ toàn cầu để tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Covid-19, cư dân mạng "xôn xao" khi lượng lớn dữ liệu người dùng Facebook đã bị chia sẻ công khai trên một diễn đàn về hacker, chuyên đăng và rao bán những cơ sở dữ liệu bị hack.
Các nhà mạng tài trợ miễn phí cước học trực tuyến
Hôm 26/3, Viettel, VNPT, MobiFone và Vietnamobile đồng loạt thông báo miễn phí cước dữ liệu di động cho học sinh, giáo viên và phụ huynh học sinh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến được khuyến cao bởi Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT. Lễ ký kết biên bản hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT diễn ra trong khuôn khổ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cụ thể, Viettel và VNPT sẽ hỗ trợ miễn phí hạ tầng CNTT cho các cơ sở giáo dục đại học, gồm máy chủ hoặc chỗ đặt máy chủ ở các trung tâm dữ liệu, cũng như hỗ trợ đường truyền băng thông đủ lớn để phục vụ dạy và học online. Đồng thời, nhóm các nhà viễn thông này cũng sẽ cung cấp miễn phí các giải pháp đào tạo trực tuyến cho toàn bộ các trường phổ thông và đại học trên cả nước. Viettel Study và VNPT E-Learning sẽ là những phần mềm học online đầu tiên được miễn phí cước dữ liệu di động.
Bên cạnh dạy học online, Viettel cũng sẽ tặng gói ưu đãi dịch vụ viễn thông cho cán bộ y tế, đội ngũ phục vụ công tác hậu cần, công an, quân đội, tình nguyện viên tại các khu cách ly. Nhà mạng này sẽ miễn phí 2GB lưu lượng data tốc độ cao/ngày, miễn phí tất cả các cuộc gọi nội mạng dưới 20 phút và 50 phút gọi ngoại mạng/tháng. Gói ưu đãi áp dụng cho tới khi Việt Nam công bố hết dịch.
41 triệu dữ liệu người dùng Facebook Việt Nam bị "lộ"
Hôm 24/3, lượng lớn dữ liệu người dùng Facebook đã bị chia sẻ công khai trên một diễn đàn về hacker, chuyên đăng và rao bán những cơ sở dữ liệu bị hack. Các thông tin được chia sẻ gồm có tên tài khoản, quê quán, nơi làm việc, thông tin về gia đình, người thân cũng như sở thích của chủ tài khoản Facebook…
Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội Facebook có thể chưa cần phải quá lo lắng bởi các thông tin bị "lộ" không quá nguy hiểm, theo một chuyên gia an ninh mạng nhận xét. Thực tế, các dữ liệu trên đều ở dạng công khai (không có mật khẩu) được thu thập từ người dùng Facebook, khi một người tham gia Facebook thì ai cũng có thể tìm và xem các thông tin này. Các chuyên gia cũng khuyến nghị người dùng có thể không cần phải đổi mật khẩu Facebook sau vụ việc này.
Trong khi đó, một đại diện Facebook cho biết, mạng xã hội đang xem xét vấn đề nói trên, nhưng phỏng đoán rằng nó không gây nguy hiểm bởi "dữ liệu đã cũ" và nhiều khả năng "có thể có từ trước khi áp dụng các chính sách bảo vệ thông tin người dùng".
Google, Microsolf… ra bản đồ theo dõi Covid-19
Google mới đây đã có một bước đi hữu ích khi hiển thị dấu nhắc trên ứng dụng bản đồ Maps mỗi khi có người sử dụng để tìm kiếm địa chỉ bác sĩ hay bệnh viện. Trên đó, có các biểu tượng để nhắc nhở người dùng đang ở gần bệnh nhân đã được phát hiện nhiễm nCoV hay không.
Trước đó, Microsoft mới đây đã phát hành công cụ hỗ trợ theo dõi Covid-19 miễn phí, cho phép người dùng PC và thiết bị di động dễ dàng cập nhật tình hình dịch bệnh trên công cụ tìm kiếm Bing. Người dùng chỉ cần vào bing.com/covid. Công cụ hiển thị bản đồ thế giới cùng thông tin được cập nhật theo thời gian thực về tổng số ca xác nhận nhiễm, số ca hồi phục và số ca tử vong.
Ngoài ra, một số nền tảng đến từ các công ty khởi nghiệp cũng cung cấp bản đồ dưới dạng tùy biến. Tuy nhiên, một số chuyên gia cảnh báo người dùng có thể đối mặt với nguy cơ bị chèn virus hoặc hacker tấn công, thu thập dữ liệu ngầm.
#WorkFromHome gây nghẽn mạng khiến các nền tảng video giảm chất lượng
Ngày 24/3, YouTube cho biết sẽ giảm chất lượng video trên khắp thế giới trong một tháng tới nhằm giảm tải lưu lượng Internet giữa mùa dịch Covid-19. Theo đó, video YouTube mặc định phát ở độ phân giải tiêu chuẩn 480p thay vì tự động chuyển đổi tùy theo chất lượng mạng của người dùng.
Trong khi đó, Amazon Prime, Netflix, Facebook cũng thông báo sẽ giảm chất lượng phát video tại châu Âu tránh nghẽn mạng, quá tải các hệ thống mạng… đáp lời kêu gọi của các nhà chức trách.
Cụ thể, Netflix giảm bit rate - yếu tố quyết định chất lượng và kích thước file, đối với mọi nội dung tại châu Âu - giúp giảm khoảng 25% lưu lượng. Sau đó, Amazon Prime cũng áp dụng biện pháp tương tự, đồng thời làm việc với các nhà chức trách và nhà cung cấp ISP để giảm nghẽn mạng tại các khu vực cần thiết.
Theo The Verge, tỉ lệ sử dụng dịch vụ streaming, xem video cũng như học tập và làm việc từ xa qua video đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây khi hàng trăm triệu người ở nhà để tránh lây lan Covid-19. Internet được xem là hình thức giải trí, cũng như kết nối phổ biến nhất khi mọi người không thể gặp mặt nhau trực tiếp.
Các nhà mạng châu Âu như Vodafone, Deutsche Telekom cũng ghi nhận lưu lượng dữ liệu tăng vọt khi hàng ngàn người chuyển sang làm việc tại nhà hoặc xem video. Theo quan chức Ủy ban Châu Âu, nhà mạng có thể thực hiện các biện pháp nhằm tránh nghẽn mạng, miễn có lý do chính đáng và cần thiết. Tuy nhiên, họ không được chặn, làm chậm hoặc ưu tiên lưu lượng để tuân thủ quy định trung lập Internet trong EU.
Mỹ huy động 16 siêu máy tính để tìm cách trị Covid-19
Chính phủ Mỹ đã hợp tác với IBM để thành lập Hiệp hội Điện toán hiệu suất cao Covid-19 (CHPCC), trong đó huy động 16 siêu máy tính phục vụ các nhà nghiên cứu phát triển mô hình dự đoán và phân tích mức độ tiến triển của nCoV - virus gây nên đại dịch Covid-19, cũng như thúc đẩy điều chế vắc-xin mới. Đối tác của Hiệp hội là những hãng công nghệ lớn khác, như Google, Facebook, Amazon…
IBM hiện sở hữu những siêu máy tính hàng đầu thế giới. Theo tính toán, 16 siêu máy tính của IBM có khả năng tính toán lên đến 265 petaflop (mỗi petaflop thực hiện một nghìn tỷ phép tính mỗi giây).
Trước đó, các siêu máy tính của IBM đã giúp Bộ Năng lượng Mỹ xác định các hợp chất ma túy có khả năng vô hiệu hóa nCoV. Cỗ máynày cũng đã chạy mô phỏng trên hơn 8.000 hợp chất, giúp xác định 77 loại có thể được sử dụng để đẩy nhanh việc tìm ra thuốc điều trị và vắc-xin ngừa Covid-19.
Các chuyên gia kỳ vọng, việc ứng dụng siêu máy tính có thể giúp các nhà khoa học đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhờ vào khả năng xử lý siêu nhanh của nó so với máy tính thông thường. Thực tế, chúng đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khoa học trước đây, cho phép rút ngắn thời gian chạy mô phỏng một lĩnh vực bất kỳ từ vài năm xuống còn chưa đến một tháng.
Dùng máy bay không người lái cảnh báo Covid-19
Nhiều quốc gia sử dụng máy bay không người lái (drone) để cảnh báo người dân không tụ tập đông người, giữ khoảng cách nhằm tránh lây lan Covid-19, theo Business Insider. Trong số đó, tại Pháp đã áp dụng phương pháp dùng drone gắn loa công suất lớn, bay trên bầu trời để cảnh báo người dân không nên ra đường, khi ra đường cần giữ khoảng cách nhất định.
Không chỉ Pháp, Mỹ, Italy và trước đó là Trung Quốc cũng dùng drone cho các mục đích khác nhau, bao gồm cảnh báo từ xa, phun thuốc khử trùng. Thậm chí, tại Trung Quốc còn gắn cả hệ thống cảm biến thân nhiệt và camera nhận diện khuôn mặt (kể cả khi mang khẩu trang) để phát hiện người có triệu chứng sốt, nhiễm Covid-19.
Google đưa hình ảnh bánh mì Việt Nam lên trang chủ
Kỷ niệm 9 năm ngày từ "banh mi" được đưa vào từ điển Oxford (năm 2011), Google đưa hình ảnh bánh mì Việt Nam lên trang chủ tìm kiếm của hơn 10 quốc gia gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ, Úc, Nhật, Singapore... Đây đều là những nơi mà bánh mì Việt Nam được ưa chuộng.
Các ứng dụng làm việc tại nhà trong mùa dịch
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, nhiều doanh nghiệp quyết định cho nhân viên làm việc từ xa. Có nhiều ứng dụng giúp bạn làm việc hiệu quả hơn tại nhà, tránh xao nhãng công việc.
Theo một thống kê gần đây, Skype của Microsoft phổ biến hơn cả nhờ ưu điểm miễn phí, hỗ trợ nhiều nền tảng, hình ảnh và âm thanh khá ổn định được nhiều người dùng trước đây. Tuy nhiên, Zoom là ứng dụng nhận được sự quan tâm nhiều hơn cả trong thời gian gần đây, nhờ định hướng họp trực tuyến trong công việc, miễn phí, cho phép cuộc gọi tới 100 người và dưới 40 phút. Trong mùa dịch, Zoom đang miễn phí cho nhiều trường học tới hết tháng 6. Các ứng dụng video khác có thể kể đến là Zalo hay Facebook Messenger cũng là những lựa chọn để làm việc, học tập tại nhà.
Bên cạnh app video, người dùng nên tải về các phầm mềm hỗ trợ, chẳng hạn Trello để sắp xếp, theo dõi công việc, quản lý đầu việc, cập nhật tiến độ hiệu quả nhất; Google Calendar, Keep để lên lịch; hay Google Drive, OneDrive… để chia sẻ tài nguyên nhanh hơn.
_
Kỷ nguyên 4.0 đang thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao? #30GiâyCôngNghệ giúp bạn cập nhật những diễn tiến vạn vật thế giới đang kết nối trên Internet tính bằng từng phút, từng giây để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm: