Nhưng rồi, sẽ có nhiều người trong số đó nhận ra bản thân không giỏi hơn người khác, xuất phát điểm thấp hơn người khác nên sẽ không có được thành tựu như họ. Chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng chỉ cần được ai đó công nhận, nghĩa là bản thân đã thành công mà quên mất rằng, tự công nhận chính bản thân mình và hạnh phúc với điều đó mới là thành công vẻ vang. Như Giám đốc điều hành BuzzMetrics Tăng Gia Hải Lam chia sẻ rằng, anh không phải người xuất sắc nhất nhưng là người hạnh phúc trong công việc.
Xuất phát điểm thấp không phải bất lợi
Có thể hôm nay, bạn vẫn là một cô cậu sinh viên vừa cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp và đem theo nhiệt huyết miệt mài với công việc đầu tiên. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, bạn nhận ra rằng bản thân thật yếu kém so với những đồng nghiệp khác. Khi họ đã ký được vài ba cái hợp đồng lớn, hay đã lên được chức trưởng phòng, bạn vẫn còn loay hoay với vị trí nhân viên cùng mức lương vài triệu đồng ít ỏi. Khi họ đã có những trải nghiệm về trao đổi văn hóa qua những chuyến công tác, vài người từng đi du học, vài người có cả kỹ năng tiếng Anh trôi chảy, bạn cũng chỉ là một đứa trẻ mới lớn, mới dấn thân vào nghề và còn bị áp lực đồng tiền đè nặng.
Giữa nhiều yếu tố, sự ganh đua từ cuộc sống và xã hội này, không thiếu người trẻ tự trách rằng bản thân không có một xuất phát điểm tốt hơn để trở thành một người xuất chúng hơn. Vô hình chung, bạn cảm thấy không còn yêu nghề nữa, muốn lựa chọn con đường khác dễ biến bản thân thành người xuất sắc nhất. Vì sao người khác vừa bắt đầu đã thuận lợi thăng tiến, còn bạn lại chẳng thể tìm được chỗ đứng vững chắc?
Vậy tôi hỏi bạn, ngay từ lúc bắt đầu, bạn đã nỗ lực hay chưa? Chúng ta chỉ hỏi rằng vì sao bản thân không đạt được những điều đó mà không hỏi rằng chúng ta đã làm gì để xứng đáng có được nó. CEO Tăng Gia Hải Lam đã nói về điều này trong talkshow “#YouCanChallenge – Thật tuyệt vời khi bạn có thể!” do trang TheFace Magazine Vietnam tổ chức vừa qua: “Đôi khi xuất phát điểm thấp không phải bất lợi mà là lợi thế. Nó không cho mình sự lựa chọn nào ngoài nỗ lực nhiều hơn”. Tôi tin rằng đây là câu nói đánh thức ý chí của nhiều người trẻ còn đang đứng giữa ngã tư đường của cuộc đời họ.
Bởi vì không ai giống ai, xuất phát điểm, hành trình và đích đến đều không giống nhau. Thế nên, nếu bạn cảm nhận được rằng bản thân thua kém đồng nghiệp, bạn phải nỗ lực gấp đôi, chạy đua với họ bằng tốc lực nhanh nhất chứ không phải ngồi đó than thân trách phận. Bạn không sinh ra là cậu ấm cô chiêu, bạn không sinh ra với chỉ số IQ cao như Albert Einstein nhưng không ai nói rằng bạn không được phép nỗ lực để tốt hơn. Khởi đầu không do bạn quyết định nhưng diễn biến sau đó phải do bạn làm chủ.
Trở thành người hạnh phúc nhất
Những nỗ lực ban đầu sẽ giúp bạn từng bước trở thành một phiên bản tốt hơn. Bạn sẽ không còn nghĩ đến việc từng là một sinh viên nghèo, từng không nói được tiếng Anh. Rồi bạn cũng như những đồng nghiệp khác, có thể thay mặt sếp đi ký hợp đồng, hay bạn cũng đã trở thành sếp.
Lại nói, bạn cũng chỉ vừa bước qua giai đoạn đầu tiên, thoát khỏi mặc cảm về chính mình, nhận ra giá trị của sự nỗ lực. Tôi đoán rằng, khi bạn có được những thành tựu đầu tiên, bạn sẽ bước vào giai đoạn bão hòa. Đó là lúc bạn bắt đầu hỏi bạn đã làm đủ chưa, liệu có công việc nào lương cao hơn không, liệu những thứ bạn đang làm có thực sự là niềm đam mê của chính bạn? Bạn bị khủng hoảng niềm tin, không còn cảm hứng để làm việc.
Nếu như bạn đang hoang mang, mất phương hướng, không sao cả, quan trọng là bạn nhận ra điều đó. Tôi muốn hỏi bạn, ngay khi bắt đầu công việc này, bạn có yêu thích nó không? Bởi vì chẳng ai dấn thân và nỗ lực cho điều bản thân cảm thấy không phù hợp, nên điều bạn cần làm lúc này là định hình câu hỏi làm thế nào để tận hưởng công việc của mình.
“Lam có khoảng gần 2 năm rơi vào trầm cảm, có lúc mình nhìn lại sau khoảng thời gian nỗ lực quá nhiều thì bản thân không thấy được cái đẹp của nghề. Mình tự hỏi mình là ai, mình ở đâu, mình làm cái gì. Mình không cảm thấy những thứ đang làm đúng với cái mình muốn. Lúc đó mình không sợ chết đói nữa, mình sợ không có đủ cảm hứng để làm việc”, CEO Hải Lam chia sẻ.
Trong giai đoạn khủng khiếp đó, Hải Lam bắt đầu lắng nghe những người truyền cảm hứng. Anh tìm hiểu cặn kẽ giá trị cốt lõi trong nghề mà mình theo đuổi, dần dần anh thấy lại những cái đẹp của nghề. Kỳ thực đó là những giá trị anh vô tình lãng quên trong cuộc đua của đồng tiền, của sự chứng minh bản thân.
Hải Lam thổ lộ, nhận ra vẻ đẹp của công việc, anh bắt đầu có lại những nhiệt huyết, có đủ cảm hứng để vượt qua trở ngại. Bản thân anh không cố gắng trở thành một người xuất sắc trong công việc, mà trở thành người hạnh phúc trong công việc. Hải Lam yêu những thứ anh làm và làm những thứ anh yêu.
Điều quan trọng khẳng định vị thế của bạn trong công việc không phải mức lương, không phải chức vụ mà là niềm vui, hạnh phúc. So với việc được người khác công nhận, tự công nhận chính mình, tự hài lòng và viên mãn với những gì bản thân bỏ ra và nhận được mới là sự thành công quý báu.
Hiểu – sẵn sàng và hành động
Nhìn lại hành trình từ lúc bắt đầu đến khi trở thành người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, Tăng Gia Hải Lam miêu tả nó bằng ba từ “hiểu”, “sẵn sàng” và “hành động”. “Hiểu” chính là phải thực sự nắm bắt được công việc mình đang làm, cũng chính là tường tận thứ bản thân muốn theo đuổi. “Sẵn sàng” chính là nếu lựa chọn dấn thân không được phép quay đầu trước khó khăn, nếu lựa chọn tiếp tục không được phép buông bỏ giữa đường. “Hành động” là luôn làm việc một cách có kỷ luật, có trách nhiệm.
Chúng ta đều đang đi tìm giá trị của riêng mình. Có người may mắn dễ dàng tìm được con đường thuận buồm xuôi gió, cũng có người phải nếm mật nằm gai mới chạm đến mơ ước của mình. Ba điều Tăng Gia Hải Lam chia sẻ là một gợi ý để bạn bắt đầu hành trình tìm thấy phiên bản tốt nhất của chính mình. Và tôi cho rằng, bất kỳ người thành công nào cũng sẽ nói với bạn về điều đó.
Dù bạn làm bất kỳ công việc nào, bạn cũng đều phải hiểu rõ nó, hiểu rõ đích đến bạn muốn, cũng là không lãng quên nỗ lực mỗi ngày. Dù bạn là ai, đang ở bất kỳ thời điểm nào, cũng phải quan niệm rằng bạn không đấu tranh để trở thành người xuất sắc nhất mà trở thành người hạnh phúc nhất trong công việc, theo định nghĩa của riêng bạn.