Chuyển đổi số hay là “chết”?

Người lao động buộc phải chuyển đổi số nếu không muốn bị đào thải khi robot và các công nghệ liên quan đến tự động hóa được áp dụng trên diện rộng, nhất là sau khi dịch Covid-19 bùng phát.
Khác với những năm trước đây khi người lao động chỉ cần kỹ năng cho công việc mình đang làm là đủ, các chuyên gia cho rằng người lao động thời 4.0 buộc phải học thêm các kỹ thuật, công nghệ để đáp ứng vào việc sản xuất, nếu không khả năng cao họ có thể đang tự loại mình ra khỏi đội ngũ.
Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Toàn cầu McKinsey (MGI) được tiến hành ở 46 quốc gia, với 800 ngành nghề khác nhau, thị trường lao động có thể sẽ mất tới 800 triệu việc làm do các doanh nghiệp chuyển sang sử dụng robot để phục vụ sản xuất. Không những thế, bức tranh toàn cảnh thị trường lao động thế giới hiện nay cũng hết sức ảm đạm, khi MGI cho rằng có tới 850 triệu lao động sẽ bị thất nghiệp tại các nước phát triển.
Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng giới trong lao động vẫn chưa bị xoá bỏ hoàn toàn, cộng với việc phân biệt đối xử nếu dựa vào trình độ và sự thích nghi với công nghệ mới càng gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong lao động. MGI tính toán rằng, nếu các quốc gia đạt được bình đẳng giới trong lao động, GDP toàn cầu sẽ đạt 12 nghìn tỷ USD vào 2025.
Thực tế thì trong thời đại 4.0, cơ hội tìm kiếm việc làm với mức lương cao có thể bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân. MGI tính toán, 40% lao động gặp phải rào cản tìm kiếm việc làm do không đáp ứng yêu cầu năng lực, 37% lao động không hài lòng với công việc hiện tại do chưa được phát huy hết năng lực. Trong khi đó, lao động có trình độ cao tìm đến các quốc gia phát triển để gia tăng cơ hội việc làm và phát huy sở trường cũng sẽ là xu hướng sắp tới. Ngược lại, những người chỉ có trình độ cơ bản sẽ phải tìm đến các quốc gia đang phát triển với các công việc trong nhà máy, công xưởng, khiến sự phân hóa về lao động ngày càng rõ rệt.
Trong những năm qua, nhiều chuyên gia cho rằng tự động hóa sẽ khiến con người mất việc, đi kèm với đó là những tiêu cực có thể xảy ra. Thực tế, thống kê cho thấy tự động hóa ảnh hưởng tới 50% nền kinh tế toàn cầu, bao gồm 1,2 tỷ nhân công và 14,6 tỷ USD tiền lương.
MGI cũng cho biết, có khoảng 2.000 việc làm thời gian tới có khả năng được tự động hoá nhờ máy móc. Thậm chí ngay cả lĩnh vực áp dụng nhân sự có trình độ cao cũng bị tác động. Nghiên cứu cho thấy rằng 60% việc làm trình độ cao, tính toán có 30% tác vụ có thể tự động hoá và không cần con người can thiệp. Tuy nhiên, hiện tại họ chưa cần lo lắng bị mất việc, bởi sẽ mất tới 20 năm để khiến tự động hóa trong công nghệ thực sự tiếp nhận 50% khối lượng công việc hiện nay.
Trên thực tế, tự động hoá cũng có những mặt tích cực lên thị trường lao động. Dù loại bỏ việc làm cũ, nó lại giúp hình thành những công việc mới nhẹ nhàng hơn nhưng mức lương có thể sẽ lớn hơn. Những ngành nghề mới đang và sẽ xuất hiện phổ biến trong tương lai như: IT development (Phát triển CNTT), hardware manufacturing (sản xuất phần cứng), app creation (nhà phát triển ứng dụng), hay IT systems management (quản lý hệ thống CNTT).
Thống kê của McKinsey’s Paris Office cho thấy, trong 15 năm qua, Internet đã khiến khoảng 500.000 công việc truyền thống tại Pháp bị "xóa sổ", nhưng thay vào đó có tới 1,2 triệu việc làm khác hình thành. Nói cách khác, nhờ Internet, một việc làm mất đi đã tạo ra 2,4 việc làm khác, một con số hết sức khả quan và nhiều khả năng sẽ có những xu hướng tương tự xảy ra trong tương lai.
Bên cạnh đó, tự động hóa và công nghệ cũng sẽ giúp lĩnh vực nhân sự trở nên nhẹ nhàng, khi nó có thể giúp đẩy nhanh quá trình tuyển dụng của các nhà quản lý và giúp người lao động tìm việc dễ dàng hơn. Ngoài ra, ngành nghề làm việc tự do (freelance) sẽ phát triển hơn, nhất là những ai không thích gò bó bản thân, tự do làm việc…
Việc áp dụng công nghệ vào lĩnh vực nghề nghiệp cũng thúc đẩy việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, điều mà thế giới nói chung và Chính phủ Việt Nam nói riêng đang thúc đẩy mạnh mẽ. Ở đây, cơ hội sẽ đến với công ty đã chuyển đổi số sẽ có doanh thu cao hơn và năng suất lao động cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh; Lợi nhuận và lợi nhuận cận biên cũng sẽ cao hơn nhiều lần, nhân viên có tăng trưởng về lương gấp nhiều lần so với trước đó.
Tất nhiên, chuyển đổi số cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít thách thức, bởi khả năng thành công của nó chưa thực sự cao. Chẳng hạn, các công ty Mỹ và Châu Âu chỉ mới thu được được lần lượt 18% và 12% lợi ích từ chuyển đổi số, Trung Á và Brazil dưới 10%. Hiện hơn một nửa dân số thế giới vẫn đang offline, chủ yếu ở các nước Châu Phi, Pakistan.
Theo nhận định của Phó giáo sư Jerry Watkins, hiện là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật số Xuất sắc (Centre of Digital Excellence - CODE) thuộc Đại học RMIT Việt Nam và cũng là đối tác của YellowBlocks (đơn vị kết nối hệ sinh thái công nghệ mới nổi đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời là đơn vị tư vấn về kinh doanh, marketing và công nghệ), nền công nghiệp 4.0 sẽ có tác động lớn đối với lực lượng lao động trong nước.
Ví dụ: Phân tích dữ liệu và điện toán đám mây sẽ thay đổi nơi làm việc. Con người sẽ không cần phải thường xuyên gặp mặt nhau để bàn công việc, thay vào đó có thể họp từ xa qua mạng internet tốc độ cao, truyền dữ liệu siêu nhanh qua các nền tảng đám mây riêng, trao đổi vấn đề qua hệ thống biểu đồ máy tính tương tác song song và trực tiếp.
CODE hiện là dự án có vai trò kết nối các tổ chức tại Việt Nam, với chuyên môn nghiên cứu và đổi mới của Đại học RMIT trong công nghiệp 4.0 bao gồm blockchain và an ninh mạng. Đây cũng là dự án cốt lõi tập trung nghiên cứu về tác động của công nghiệp 4.0 đối với lực lượng lao động. "Cách tốt nhất để chuẩn bị cho các tác động của công nghiệp 4.0 là lên tinh thần cho việc thích nghi công nghệ mới, tự đổi mới bản thân và sáng tạo, sẵn sàng cho những công việc mới chưa có trước đây. Đó cũng là tham vọng mà CODE đang hướng đến.", Watkins chia sẻ.
Watkins cũng đánh giá DeepTech (tên gọi chung cho mảng nghiên cứu về công nghệ và kĩ thuật nền tảng) sẽ là thứ giúp các sinh viên Việt Nam có thể học tập để thích ứng với nghề nghiệp thời đại công nghiệp 4.0. Trong đó, các trường Đại học sẽ là "vườn ươm" để tạo ra một thế hệ nhân lực am hiểu về công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và robot – hai lĩnh vực cực kỳ quan trọng, sẽ được ứng dụng nhiều trong thời gian tới. "Trước mắt, sinh viên có thể tập trung cho việc nghiên cứu và phát triển (R&D), có những dự án hoặc đề án nhân sự chú ý của cộng đồng. Khi có được nền tảng này, việc thương mại hóa DeepTech sẽ là bước tiếp theo và tỷ lệ thành công của nó sẽ cao hơn. Thực tế thì, một số trường đại học đã thành công trong thương mại hóa công nghệ hoặc bằng sáng chế, nhưng nhiều trường thì không.", Watkins chia sẻ.
Chuyên gia từ RMIT nhắc tới Vườn ươm DeepTech Cicada Innovations, có trụ sở tại Sydney, Úc như là một case study điển hình mà ông đang nói tới. Cicada đã được Hiệp hội đổi mới kinh doanh quốc tế (the International Business Innovation Association) đánh giá là Vườn ươm hàng đầu thế giới không chỉ một, mà là hai lần. "Cicada khác biệt ở chỗ, họ hợp tác với bốn trường đại học lớn nhất của Úc để nắm bắt, thúc đẩy và thương mại hóa của các startups trong lĩnh vực Deeptech, họ còn nằm ngay trung tâm Sydney – vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho các startup tiếp cận các nhà đầu tư.", Watkins cho biết thêm.

JERRY WATKINS
Phó giáo sư Jerry Watkins, hiện là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật số Xuất sắc (Centre of Digital Excellence - CODE) thuộc Đại học RMIT Việt Nam. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm quốc tế về truyền thông, thiết kế và tương tác. Ông đã từng là Điều tra viên trưởng, Nhà nghiên cứu cao cấp trong sáu dự án nghiên cứu lớn trị giá 4,8 triệu AUD (gần 3 triệu USD) với các đối tác bao gồm UNESCO, Commonwealth of Learning và Intel Corporation. Ông cũng có nhiều nghiên cứu về công nghệ và kỹ thuật số được đăng trên các tạp chí uy tín toàn cầu.
"DeepTech (tên gọi chung cho mảng nghiên cứu về công nghệ và kỹ thuật nền tảng) sẽ là thứ giúp các sinh viên Việt Nam có thể học tập để thích ứng với nghề nghiệp thời đại Công nghiệp 4.0."
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Nhà sáng lập của DesignBold, Hùng Đinh, khuyên doanh nghiệp tận dụng Covid để chuyển đổi số nhanh chóng
- Chuyển đổi số - Không chỉ là câu chuyện của công nghệ
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- 70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc
- Mango Digital và chuyện “Sáng tạo có Dữ liệu”
- Lixibox – Nền tảng dữ liệu số thúc đẩy trải nghiệm mua sắm toàn diện ngành Làm đẹp
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- Khát vọng nối dài cánh tay robot made-in Vietnam của Phạm Văn Được
- Đồng sáng lập School of Gumption, Phạm Hải Yến: “Tình yêu và trí tưởng tượng sẽ giúp ta chinh phục robot”
- Bạn có thể không phải người xuất sắc nhất nhưng phải là người hạnh phúc!
- #ExtraordinaryChallenge cùng Vương Anh Tú trong cuộc đấu tranh giảm 30kg mỡ thừa để tự tin debut với vai trò làm ca sĩ
- Chuyên gia Đoàn Kiều My: Startup DeepTech Việt Nam chưa thể tự tiếp thị về mình với nhà đầu tư
- CEO YellowBlocks Đoàn Kiều My: Ứng dụng #WorkFromHome miễn phí là con dao hai lưỡi