Công nghệ phát hiện trường hợp nghi nhiễm Coronavirus ngay lập tức

Mã QR cá nhân hiện được xem là chiếc "giấy thông hành" của người dân Trung Quốc mỗi khi vào siêu thị, nhà hàng hay xe bus, tàu điện ngầm… Công nghệ này giám sát và phân tích hành trình đi lại, lịch sử giao tiếp… để phân loại khả năng lây lan virus của mỗi người.
Theo tờ New York Times, công nghệ trên được phát triển độc lập bởi hai "ông lớn" công nghệ: Tencent và Ant Financial (Thuộc Alibaba) dựa trên nền tảng của WeChat và Alipay, đồng thời được điều hành trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc nhằm đạt được hiệu suất kiểm dịch hiệu quả và hoàn thiện nhất.
Sử dụng công nghệ để phát hiện nhanh chóng người nhiễm bệnh qua lịch sử sinh hoạt trong ngày
Trước tình hình dịch bệnh hỗn loạn tại Trung Quốc, chính quyền Thành phố Hàng Châu và Ant Financial (Thuộc Alibaba) đã kết hợp và phát triển thành công ứng dụng có tên gọi The Alipay Health Code. Ngay sau đó, Tencent cũng thông báo hợp tác với Chính phủ cho ra mắt một ứng dụng có chức năng tương tự - Tencent Health Code. Hai App trên hoạt động dựa trên công nghệ Big Data với kho dữ liệu người dùng khổng lồ từ WeChat hiện có hơn 1 tỷ người sử dụng và Alipay với 700 triệu người sử dụng.
Mã QR hiện được sử dụng như là "giấy thông hành" của người dân Trung Quốc mỗi khi vào siêu thị, nhà hàng hay xe bus, tàu điện ngầm… Nếu như không có mã QR, hoặc mã QR có màu vàng hoặc đỏ, người dùng sẽ bị hạn chế đi lại và thậm chí hạn chế sử dụng WeChat và Alipay - Hai ứng dụng nhắn tin, thanh toán vô cùng phổ biến tại quốc gia tỷ dân này.
Hệ thống quét mã QR trên hiện đang được sử dụng tại hơn 200 thành phố và đang tiếp tục được nhân rộng tại Trung Quốc với lượng người dùng của hai ứng dụng tổng cộng lên tới 1.6 tỷ lượt đăng ký.
Theo nhận định của Reuters, với số lượng người mắc nhiễm và tỷ lệ tử vong do COVID-19 đang giảm mạnh, Trung Quốc đã bước qua giai đoạn đỉnh điểm của dịch và đang giảm dần tốc độ lây nhiễm, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đã cho thấy dấu hiệu khả quan và sẽ tiếp tục khẳng định tính hiệu quả về lâu dài.
Cơ chế hoạt động của hai app này như một công cụ theo dõi 24/7 hành trình sinh hoạt của một người. Cụ thể, người dùng sẽ vào ứng dụng để đăng ký thông tin cá nhân. Sau khi đăng ký thành công, người dùng sẽ nhận được 1 mã QR theo 3 màu (Xanh - Vàng - Đỏ): Màu xanh tương ứng với khoẻ mạnh, không bị hạn chế đi lại; Màu vàng tương đương cách ly trong nhà 7 ngày; Và màu đỏ nghĩa là cực kỳ nguy hiểm, cần phải cách ly trong nhà 14 ngày.
Các màu sắc trên trong lần phân loại đầu tiên được dựa vào các câu hỏi về tình trạng sức khoẻ, lịch sử đi lại và nguy cơ tiếp xúc với người nghi nhiễm bệnh. Sau đó màu của mã QR sẽ liên tục thay đổi dựa trên các báo cáo về hành trình đi lại, lịch sử giao tiếp của người dùng thông qua giám sát định vị và giám sát bằng camera đường phố.
Có thể nói, hệ thống camera giám sát của Trung Quốc hiện được đánh giá hiện đại thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ với số lượng camera toàn quốc đã lên tới con số hơn 200 triệu chiếc (Theo PreciseSecurity), có có khả năng nhận dạng khuôn mặt chính xác bất kể việc đeo khẩu trang nhờ phát triển công nghệ AI vượt trội.
Sức mạnh của "Dữ liệu lớn" (hay còn gọi là Big Data) giải quyết tốt các vấn đề xã hội
Trên khắp thế giới, nhiều nỗ lực sử dụng công nghệ để xác định lây nhiễm COVID-19 đã được chứng minh là sáng tạo, chẳng hạn như các trạm kiểm tra lái xe ở Hàn Quốc và trợ lý chăm sóc sức khỏe robot ở tiểu bang Washington, Mỹ.
Có thể nói Trung Quốc đã thực hiện, tận dụng tối đa bộ máy giám sát rộng lớn của họ và tích hợp "dữ liệu lớn" để theo dõi, chẩn đoán và hạn chế sự di chuyển của công dân khi dịch bệnh xảy ra. Điều này được xem là giải pháp tối ưu trong việc chia sẻ thông tin ngay lập tức với cảnh sát để quyết định người đó được phép di chuyển trong các khu vực công cộng hay phải vào khu vực cách ly.
Với sức mạnh phân tích kho dữ liệu khổng lồ, công nghệ Big Data không chỉ được đưa vào các ứng dụng quét mã QR mà gần đây, một ứng dụng di động khác đã được phổ biến ra cho các công dân với chức năng "máy phát hiện tiếp xúc gần" hiển thị bản đồ về nhiễm trùng COVID-19 hay công nghệ "mũ bảo hiểm thông minh" được nhà chức trách ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc sử dụng để đo thân nhiệt của hành khách - khi họ đi vào phạm vi năm mét. Một báo động sẽ vang lên nếu phát hiện sốt.
Các phần mềm, thiết bị ứng dụng trên hoạt động dựa trên nguồn dữ liệu lớn từ các phương tiện truyền thông xã hội, vận chuyển và hồ sơ sức khỏe.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, hệ thống quét mã QR, ứng dụng cảnh báo dịch bệnh khác đang dấy lên một số nghi ngại về tính an toàn và các lỗ hổng bảo mật thông tin, khi mà mọi thông tin về ID, số điện thoại, khuôn mặt và lịch sử hành trình đi lại trong thành phố đều bị thu thập và đưa về một kho dữ liệu chung. Nếu các công tác an ninh mạng không được thực hiện minh bạch, hoặc vô tình xảy ra sai sót thì sẽ trở thành một cơ hội lớn cho các hacker và các bên thứ 3 thâm nhập với mục đích không chính đáng.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các trạm thông hành và kiểm soát mã QR, công nghệ phát hiện dịch bệnh tại cửa ngõ giữa các thành phố, trên đường cao tốc và đường bộ, trên các phương tiện giao thông công cộng và các khu dân cư còn đòi hỏi một lượng nhân lực rất lớn để vận hành, dẫn tới cần phải có một lực lượng giám sát những người thực hiện nhiệm vụ trên, đảm bảo họ làm việc nghiêm chỉnh. Nói cách khác, hệ thống trên chỉ có thể hoạt động hiệu quả khi có sự đồng lòng và hợp tác nghiêm ngặt của con người, nếu không, các công tác kiểm soát sẽ trở nên vô nghĩa.
Tại Việt Nam, Bộ Thông Tin & Truyền Thông kết hợp với Bộ Y Tế vừa mới cho ra mắt 2 ứng dụng khai báo y tế có tên "NCOVI" dành cho người dân Việt Nam và "Vietnam Health Declaration" dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam giúp cảnh báo người dân khi họ đến các nơi đông người, những khu vực đã có người nhiễm và nghi nhiễm, khu vực đang được cách ly.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ TOP STARTUP NỔI BẬT CỦA SK STARTUP FELLOWSHIP 2021 SẴN SÀNG “BÙNG NỔ” TẠI DEMO DAY
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- Mango Digital và chuyện “Sáng tạo có Dữ liệu”
- Lixibox – Nền tảng dữ liệu số thúc đẩy trải nghiệm mua sắm toàn diện ngành Làm đẹp
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Ứng dụng phổ biến của công nghệ không người lái và tương lai “taxi bay”
- Thêm một ứng dụng đa nền tảng được Facebook, PayPal rót vốn
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0