COVID-19 sẽ thúc đẩy làn sóng đổi mới tiếp theo ra sao?

Trong quá khứ, các sự kiện "thiên nga đen" như suy thoái kinh tế và đại dịch, đã điều chỉnh quỹ đạo của các chính phủ, nền kinh tế và doanh nghiệp – cũng là thay đổi tiến trình lịch sử. Với khủng hoảng Covid-19 lần này cũng thế.
Vụ Black Death (cái chết đen) vào những năm 1300 phá vỡ chế độ phong kiến ăn sâu từ lâu ở Châu Âu và thay thế bằng khế ước nhân quyền hiện đại hơn. Chỉ ba thế kỷ sau đó, một cuộc suy thoái kinh tế lớn – do cuộc chiến kéo dài 100 năm giữa Anh và Pháp – khởi đầu động lực đổi mới lớn giúp cải thiện triệt để năng suất nông nghiệp.
Lướt qua thời gian gần đây hơn, đại dịch SARS vào những năm 2002 – 2004 là chất xúc tác cho sự phát triển nhanh chóng của một công ty thương mại điện tử cỡ nhỏ vào thời đó có tên là Alibaba, vươn lên vị trí hàng đầu trong ngành bán lẻ ở Châu Á.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy do nỗi lo lắng tiềm ẩn xung quanh việc đi lại và tiếp xúc với người khác, tương tự những gì chúng ta đang chứng kiến với Covid-19 ở hiện tại. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng tạo ra hiệu ứng đột phá, bên cạnh tác động tiêu cực. Airbnb và Uber nổi tiếng khắp phương Tây, bởi khủng hoảng làm người dân chi tiêu tiết kiệm hơn. Điều này buộc mọi người phải chia sẻ tài sản dưới hình thức chung phòng, đi chung chuyến xe để bù đắp thâm hụt.
Cố gắng phát triển theo xu hướng này, các mô hình kinh doanh video game cũng nhanh chóng thay đổi, khi năm 2011 cũng là năm chứng kiến sự trỗi dậy của mô hình kinh doanh trò chơi miễn phí, với Nexon ở Châu Á và King ở phương Tây.
Ở Covid-19, chúng ta sớm nhận ra những dấu hiệu về sự chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Các công ty trong và ngoài lĩnh vực công nghệ đều khuyến khích làm việc từ xa. Lợi nhuận ngành hàng không bị ảnh hưởng vì những quy định hạn chế đi lại. Chuỗi cung ứng bị gián đoạn trên toàn cầu. Các cửa hàng bán lẻ đang cạn kiệt thuốc ibuprofen, đồ khô và giấy vệ sinh. Vài điều trong số những thay đổi này là phản ứng trực tiếp, ngắn hạn trước khủng hoảng và sẽ về lại bình thường một khi Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên, một số xu hướng sẽ tiếp diễn, tạo ra sự gián đoạn kỹ thuật dài hạn, và chính nó sẽ định hình các doanh nghiệp trong nhiều thập kỷ tới.
Tác động ba chiều
Đại dịch tác động trực tiếp đến các khía cạnh sinh học, tâm lý và kinh tế. Cường độ của nó phụ thuộc vào tỉ lệ tử vong, nhiễm bệnh cũng như thời gian lây lan.
Với Covid-19, tác động sinh học nhanh chóng leo thang và có ảnh hưởng mạnh nhất đến người cao tuổi. Tác động tâm lý có thể nhận thấy ở các thị trường chứng khoán toàn cầu. Các nhà đầu tư mất niềm tin vào tương lai vì thông tin về sự lây lan Covid-19 và tác động của nó đến năng suất trên khắp thế giới không đầy đủ và có khi là không chính xác.
Dân số toàn cầu cũng đang phải đối mặt với tác động tâm lý khi bị cách ly, cô lập và giảm giao tiếp trực tiếp. Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là tác động về kinh tế. Trong thời gian ngắn, việc cung cấp nhiều sản phẩm thiết yếu bị gián đoạn và nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ khác nhau cũng giảm mạnh. Nếu tiếp diễn, Covid-19 rất có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến GDP toàn cầu.
Các cuộc đổi mới dài hạn và những thay đổi theo xu hướng sẽ xuất hiện khi người tiêu dùng và doanh nghiệp tìm cách bình thường hóa tác động lên các khía cạnh tâm lý và kinh tế - một khi ngăn chặn dịch thành công và tác động sinh học được giải quyết.
Một nghiên cứu với hơn 50 startup đạt được quy mô trong các giai đoạn khủng hoảng toàn cầu thông qua lăng kính của khuôn khổ này đã làm rõ vấn đề. Ban đầu, một cuộc suy thoái luôn mang tới thay đổi trong mô hình kinh doanh một cách nhanh chóng, cắt giảm chi phí và giá cả. Mặt khác, đại dịch có xu hướng kích hoạt các loại hình kinh doanh hoàn toàn mới. Cũng khá rõ ràng cả đại dịch và suy thoái đều là những yếu tố thúc đẩy sự đổi mới so với nguyên nhân trực tiếp của nó, tức là giúp các startup và ý tưởng kinh doanh sẵn có được đón nhận nhanh hơn, phổ biến.
Cùng với những kiến thức và khuôn khổ này, sau đây là 3 sự đổi mới vĩ mô mà chúng ta có thể hy vọng diễn ra sau cơn đại dịch Covid-19.
1. Các chuỗi cung ứng hợp nhất thành các hệ sinh thái linh hoạt
Chuỗi cung ứng toàn cầu luôn hướng tới duy trì chất lượng ổn định, trong khi cắt giảm chi phí ở mọi bước. Điều này dẫn đến rủi ro tập trung đáng kể về mặt địa lý và nhà cung cấp cho hầu hết các công ty. Ví dụ, Trung Quốc phải thu hẹp quy mô sản xuất vì Covid-19 và gây ra tác động cung ứng dây chuyền mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nó cho thấy sự thiếu linh hoạt trong phương pháp này.
Có nhu cầu lớn về việc phân phối, phối hợp và theo sát nguồn cung linh kiện nhiều hơn qua nhiều khu vực địa lý và các nhà cung cấp trong khi duy trì quy mô kinh tế. Điều này đòi hỏi phải thiết lập các nền tảng toàn cầu bằng cách sử dụng các công nghệ tinh vi như 5G, robot, loT và Blockchain để giúp liên kết người tiêu dùng với nhiều nhà cung cấp đáng tin cậy trong một "mạng lưới" các chuỗi cung ứng.
Điều này cũng tạo hiệu ứng dây chuyền đối với việc ứng dụng xe tự lái, máy bay chở hàng không người lái do nhu cầu về hậu cần thương mại điện tử vượt xa số lượng tài xế có sẵn. Nền tảng B2B thông thường như Amazon và Alibaba phải tiến lên và cạnh tranh, giành quyền sở hữu hệ sinh thái chuỗi cung ứng tinh vi hơn này trong thập kỷ tới.
2. Các hệ thống hành chính kỹ thuật số sẽ trở thành chủ đạo
Dịch bệnh Covid-19 khiến các cơ quan chính phủ phải hành động nhanh hơn bao giờ hết. Trung Quốc phá kỷ lục bằng cách xây dựng một bệnh viện dã chiến rộng 300.000 mét vuông chỉ trong 10 ngày ở Vũ Hán. Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm thần tốc 200.000 công dân và sử dụng smartphone để theo dõi hoạt động của người nghi nhiễm – sau đó cảnh báo cho mọi người về những chuyển động qua các cập nhật trực tuyến.
Tất cả những nỗ lực này, cũng như tính minh bạch của tác động sinh học, sẽ còn được cải thiện hơn nếu có thêm nhiều thành phố thông minh trên thế giới. Theo nghiên cứu mới nhất của Đại học Glasgow, chỉ có 27 trong số 5.500 thành phố có quy mô lớn được coi là dẫn đầu trong lĩnh vực này. Khi các chính phủ rút được bài học từ Covid-19, họ sẽ chuyển hướng sang ưu tiên đầu tư vào thành phố thông minh vì nó là điều tối quan trọng để quản lý tốt hơn các sự kiện "thiên nga đen" trong tương lai. Những người chơi chính được hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch chính phủ thông minh là Cisco, Microsoft, Siemens cũng như các startup thành phố thông minh trên khắp châu Âu và Mỹ.
3. Hỗ trợ sức khỏe tâm lý trên diện rộng bằng kỹ thuật số
Có thể dễ dàng nhận thấy Covid-19 đẩy nhanh quá trình làm việc từ xa cũng như giáo dục trực tuyến. Điều khó tiên đoán hơn là điều gì sẽ xảy ra khi phần lớn lực lượng lao động không thể đến văn phòng và cần phải làm việc với nhau từ xa vô thời hạn. Có khả năng sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, năng suất và sức khỏe tâm lý của người lao động trên toàn cầu và doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sẵn sàng.
Đối với các công ty đang muốn áp dụng giao tiếp điện tử vào môi trường làm việc, hiện nay các lựa chọn còn bị hạn chế. Một số ít công ty công nghệ khác vốn hoạt động theo mô hình làm việc từ xa như Github, Automatic có thể chọn truyền đạt lại kinh nghiệm và khả năng để giúp các doanh nghiệp khác đối phó.
Đối với các nhân viên làm việc từ xa, mọi thứ đang dần tốt hơn nhiều. Một số startup về sức khỏe tinh thần như Braive và Moment Pebble có thể tăng cường giải quyết các vấn đề cô lập trong khi các ứng dụng mạng doanh nghiệp như Ripple có thể giúp xử lý các thách thức về cố vấn và phát triển khi nhân viên làm việc từ xa.
Thế giới hậu Covid-19
Covid-19 là cú sốc tồi tệ cho nền kinh tế toàn cầu cũng như hàng ngàn cá nhân và gia đình bị ảnh hưởng. Trước mắt, các công ty cần phải ưu tiên bảo đảm sức khỏe và an toàn cho nhân viên, đối tác, nhà cung ứng. Về lâu dài, Covid-19 làm thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp cạnh tranh với nhau trong thập kỷ tới. Những công ty tận dụng được thay đổi này sẽ đạt được thành công và các công ty còn lại sẽ bị hủy diệt.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- Chuyên gia Đoàn Kiều My: Tự hào là thành viên của Hội đồng Đổi mới Sáng tạo Việt – Áo
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“