Covid-19 vẫn tạo ra những kỷ lục mới

"Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất" của Forbes Việt Nam 'tiết lộ' tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty vào danh sách đạt 138.705 tỷ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019, cao nhất từ trước tới nay. Danh sách 2020 đánh dấu sự lên ngôi của nhóm các cổ phiếu phòng thủ hoặc ít chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như: dược phẩm, xây lắp, hàng tiêu dùng, vật liệu, tài chính...
Kinh tế có vài tín hiệu phục hồi
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1%, mức tăng thấp nhất nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng 5, khu vực này đã tăng trở lại 11,2% so với tháng trước. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tính từ ngày 1/5 cũng tăng gần 1%.
Cả nước có 10.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng vừa qua, tăng 36% so với tháng 4. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng cao sau giai đoạn giãn cách xã hội. Trong tháng, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 33% so với tháng 4, số doanh nghiệp đăng ký ngừng kinh doanh có thời hạn giảm gần 20%.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng - Manufacturing Purchasing Managers' Index (PMI) đã tăng mười điểm trong tháng 5, đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 của tháng 4. Dù chưa trở lại trên 50 điểm - ngưỡng xác định sự mở rộng hay thu hẹp, con số này cũng cho thấy lĩnh vực sản xuất ít tiêu cực hơn trước. IHS Markit đánh giá, mặc dù PMI của Việt Nam tháng 5 đã cao hơn, cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm nhẹ hơn, nhưng dữ liệu mới vẫn cho thấy sức khỏe của lĩnh vực sản xuất tiếp tục ở mức tiêu cực.
Sự trở lại của hoạt động thường ngày cũng được phản ánh qua doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Hoạt động thương mại, dịch vụ trong tháng 5 tăng gần 27% so với tháng 4. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt tăng 17%, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 96%... Một số chỉ tiêu khác cũng phản ánh nét tích cực như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng mạnh nhất 5 năm, vận tải hành khách và hàng hóa cùng tăng ở mức hai con số.
Công bố "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất"
Hôm 1/6, Forbes Việt Nam công bố "Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất" lần thứ 8.
Danh sách 2020 đánh dấu sự lên ngôi của nhóm các cổ phiếu phòng thủ hoặc ít chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh như: dược phẩm, xây lắp, hàng tiêu dùng, vật liệu, tài chính...
Danh sách ghi nhận những kỷ lục mới. Tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty vào danh sách đạt 138.705 tỷ đồng, tăng 8,7% so với danh sách công bố năm 2019, cao nhất từ trước tới nay.
Về lợi nhuận, Vietcombank, ngân hàng Việt Nam lọt vào danh sách Global 2000 ở vị trí 937, năm thứ hai liên tiếp giữ ngôi quán quân. Với kỷ lục mới đạt 23.122 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương 1 tỷ USD, nhà băng này trở thành doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao nhất trong tám lần công bố danh sách.
Với 189.603 tỷ đồng, tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về doanh thu, năm thứ tư liên tiếp. Sự phát triển vượt bậc của khối kinh tế tư nhân tiếp tục được ghi nhận trong danh sách năm 2020. Các công ty tư nhân đầu ngành như: Vingroup, Masan Group, Techcombank, VPBank, Hòa Phát, Thế Giới Di Động… tiếp tục có một năm tăng trưởng, phần lớn lợi nhuận vươn lên các cột mốc mới.
Ảnh hưởng từ dịch bệnh, thị trường chứng khoán có diễn biến thất thường trong bốn tháng đầu năm. Lần đầu tiên trong tám năm qua, vốn hóa thị trường của 50 công ty trong danh sách suy giảm so với danh sách năm trước đó. Theo thống kê của Forbes Việt Nam, vào trung tuần tháng 5, tổng vốn hóa các công ty trong danh sách đạt 81,3 tỷ USD, giảm 13,5% so với danh sách năm 2019.
Từ 1/7, thu nhập trên 11 triệu đồng mới phải đóng thuế
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, từ 1/7 mức giảm trừ gia cảnh nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng, tức người có thu nhập trên 11 triệu đồng mỗi tháng (tương đương 132 triệu đồng một năm) mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng một tháng.
Tính toán trước đó của Chính phủ, sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ mới. Quy định mới có hiệu lực từ 1/7 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Nghị quyết cũng quy định hồi tố với những trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng. Theo đó, người nộp thuế sẽ được xác định lại số thuế thu nhập cá nhân phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Mỹ - Trung "ăn miếng trả miếng" hàng không
Ngành hàng không Mỹ và Trung Quốc vừa trải qua một tuần dậy sóng bởi động thái "ăn miếng trả miếng" của cơ quan quản lý hai nước. Đầu tuần, Washington tuyên bố lệnh đóng cửa với các hãng hàng không Trung Quốc từ sau ngày 16/6, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh hạn chế các hãng bay của Mỹ tới nước này.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 3/6, Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc đối xử với các hãng hàng không Mỹ như thế nào thì họ sẽ đối xử lại y hệt với các hãng bay Trung Quốc. Cụ thể, Air China, China Eastern Airlines, China Southern Airlines và Xiamen Airlines của Trung Quốc bị đưa vào danh sách đen.
Chưa đầy một ngày sau, hôm 4/6, Bắc Kinh nhượng bộ khi cho biết sẽ nới lỏng các biện pháp chống dịch và cho phép các hãng hàng không nước ngoài tới Trung Quốc. Cụ thể, các hãng sẽ được bay tối đa một chuyến mỗi tuần tới Trung Quốc kể từ ngày 8/6. Theo Reuters, trước động thái này, chính quyền Mỹ cho biết hôm 5/6 rằng sẽ nới lỏng lệnh cấm các chuyến bay thương mại từ Trung Quốc.
Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) cho biết các hãng bay có thể tăng tần suất lên 2 chuyến/tuần sau 3 tuần liên tiếp khai thác 1 chuyến/tuần mà không có hành khách nào dương tính với Covid-19. Nếu có từ 5 hành khách trở lên dương tính, hãng bay đó sẽ bị cấm bay tới Trung Quốc từ 1-4 tuần.
WeWork châu Á - Thái Bình Dương có CEO mới
Hôm 2/6, WeWork, tuyên bố bổ nhiệm ông Samit Chopra làm Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chịu trách nhiệm giám sát các thị trường trọng điểm bao gồm: Australia, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Ông Chopra sẽ báo cáo trực tiếp với ông Eugen Miropolski, Giám đốc vận hành (COO) toàn cầu của WeWork.
Giám đốc điều hành mới của WeWork sẽ làm việc tại trụ sở Singapore, chịu trách nhiệm quản lý doanh thu, chiến lược tiếp cận thị trường, kinh doanh, tăng trưởng và đổi mới, cùng với phát triển nhân sự tại WeWork châu Á - Thái Bình Dương. "Khu vực châu Á Thái Bình Dương tiếp tục là một trong những thị trường trọng điểm của chúng tôi trên toàn cầu. Chúng tôi cam kết củng cố đội ngũ lãnh đạo tại khu vực trong quá trình tập trung thực hiện kế hoạch chiến lược 5 năm", ông Samit Chopra cho biết.
Ông Chopra có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành bất động sản. Gần đây nhất, ông chịu trách nhiệm điều chỉnh các giải pháp đa thương hiệu linh hoạt sát với nhu cầu phát triển danh mục đầu tư ngày càng tăng của các doanh nghiệp và khách hàng doanh nghiệp trên khắp khu vực Trung Đông và Châu Á Thái Bình Dương tại một công ty toàn cầu. Ông cũng từng giữ vai trò lãnh đạo cấp cao tại một công ty cung cấp dịch vụ bất động sản toàn cầu, kí kết thành công và giám sát các dự án phát triển quan trọng cho các khách hàng lớn như Amazon, Apple, Qualcomm, Broadcom, MetLife, Cisco, Microsoft, Deutsche Bank và UHG.
Chopra có bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Học viện Công nghệ Quản lý (IMT) và Cử nhân Thương mại của Đại học Delhi, Ấn Độ. Ông cũng tham dự Chương trình quản lý cao cấp trong lĩnh vực bất động sản của Đại học Harvard và Chương trình phân tích dữ liệu cao cấp tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ. Dù trải qua nhiều biến cố vào năm ngoái nhưng tính đến tháng 3/2020, WeWork có 828 địa điểm tại hơn 149 thành phố, 38 quốc gia với hơn 693 ngàn thành viên.
Cristiano Ronaldo là cầu thủ đầu tiên kiếm một tỷ USD
Theo xếp hạng của Forbes, Cristiano Ronaldo có thu nhập trước thuế 105 triệu USD trong năm 2019, và vươn lên vị trí thứ tư trong top 100 nhân vật thể thao - giải trí có tài sản lớn nhất. Siêu sao người Bồ Đào Nha xếp trên Lionel Messi một bậc, và trở thành cầu thủ bóng đá đầu tiên trong lịch sử kiếm được một tỷ USD.
Trong 17 năm thi đấu chuyên nghiệp, Ronaldo kiếm khoảng 650 triệu USD từ lương, thưởng và các hoạt động bóng đá. Khi hợp đồng hiện tại với Juventus đáo hạn vào hè 2022, đội trưởng tuyển Bồ Đào Nha dự kiến nâng con số này lên 765 triệu USD.
Thu nhập của Messi, người bắt đầu chơi bóng chuyên nghiệp sau Ronaldo ba năm, hiện ở mức 605 triệu USD. Tuy nhiên, bộ đôi vẫn vượt xa phần còn lại của thế giới thể thao. Người đạt tới gần những con số này nhất trong khoảng 5 năm qua là Alex Rodriguez, vận động viên bóng chày của New York Yankees. Khi giải nghệ năm 2016, anh kiếm được 450 triệu USD tiền lương. Thu nhập trong suốt sự nghiệp cầu thủ của David Beckham, biểu tượng kiếm tiền thông qua bóng đá thập niên trước, khoảng 500 triệu USD. Một nửa trong số này đến từ các hoạt động quảng cáo.
Trước Ronaldo, chỉ hai vận động viên thể thao khác kiếm được một tỷ USD khi còn thi đấu, gồm Tiger Woods (năm 2009) và Floyd Mayweather (năm 2017). Trong khi golfer người Mỹ có dòng tiền chủ yếu từ hợp đồng trọn đời với Nike, võ sĩ đồng hương được cho là đút túi hơn 500 triệu USD từ hai trận quyền Anh cuối sự nghiệp với Manny Pacquiao và Conor McGregor.
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Nhà sáng lập Seed Planter: Làm doanh nghiệp tạo tác động xã hội “khó mà dễ”
- “Cơn sốt” malware, virus hay ransomware… cảnh báo mối nguy cho doanh nghiệp về bảo mật
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“