“Thứ hai lịch sử” của dầu thô “lộ” rõ chân tướng nguy hiểm khác của Covid

Mặc dù lệnh cách ly xã hội toàn quốc kết thúc vào ngày 22/4 đã giúp nhiều hoạt động kinh doanh hồi sinh, giới văn phòng nô nức gặp lại đồng nghiệp; Tuy nhiên, khó khăn của doanh nghiệp lẫn startup vẫn còn nhiều; Trên thế giới, thị trường dầu thô một phen "sửng sốt" khi lần đầu tiên trong lịch sử người bán phải trả tiền cho người chịu mua.
Hoạt động kinh doanh hồi sinh
Sau khi lệnh cách ly xã hội toàn quốc kết thúc vào ngày 22/4, hoạt động kinh doanh đã dần khôi phục tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, nhưng phải tuân thủ các yêu cầu giãn cách xã hội. Tại Hà Nội, cửa hàng ăn uống hoạt động lại được yêu cầu giữ khoảng cách, nên có tấm chắn cho người ngồi. Phương tiện vận tải được phép hoạt động nhưng chỉ với công suất 20-30%; khuyến khích không ngồi hết hàng ghế. Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng phải giữ khoảng cách, thường xuyên đo thân nhiệt và phân luồng một chiều cho người mua sắm.
Tại TP. HCM, taxi, xe công nghệ, xe khách liên tỉnh đã được hoạt động lại, cửa hàng ăn uống cũng được phép kinh doanh khách tại chỗ. Tuy nhiên, thành phố cũng thông báo rõ những nhóm ngành chưa được phép hoạt động, bao gồm cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, spa, vật lý trị liệu, massage, xông hơi; các tụ điểm vui chơi, giải trí, sân khấu, rạp chiếu phim, trung tâm tiệc cưới, vũ trường, quán bar, karaoke, pub, beer club, hát với nhau; các điểm kinh doanh trò chơi điện tử (Intemet, game online); các trung tâm thể thao và cơ sở kinh doanh thể thao trong nhà.
Địa phương này cũng yêu cầu tiếp tục tạm dừng tiếp nhận khách mới tại các cơ sở lưu trú kinh doanh theo mô hình homestay, AirBnb (một loại hình của dịch vụ lưu trú). Người dân không tụ tập trên 20 người nơi công cộng, bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.
Gói giãn thuế 180.000 tỷ còn chậm
Theo Nghị định 41, có tới 98% doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng, nhằm vượt khó trong mùa dịch. Tuy nhiên, thống kê đến chiều 20/4 của Tổng cục Thuế, cả nước mới có 24.260 hồ sơ đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất từ doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh. Hiện còn hàng trăm nghìn doanh nghiệp và cá nhân, hộ kinh doanh chưa đề xuất gia hạn thuế, tiền thuê đất.
Nhiều doanh nghiệp cho biết rất quan tâm đến gói hỗ trợ giãn thuế nhưng sau khi nộp hồ sơ thì chưa thấy cơ quan thuế phản hồi. Cơ quan thuế trả lời rằng, những hồ sơ xin gia hạn thuế nếu nộp thành công thường mặc nhiên được hưởng chính sách giãn thuế và tiền thuê đất trong 5 tháng mà không cần phải chờ phản hồi. Chỉ với những doanh nghiệp, cá nhân không đủ kiều kiện, không đúng đối tượng thì sẽ nhận được phản hồi.
Ngoài ra, hiện có tình trạng một số doanh nghiệp chưa sẵn sàng nộp giấy đề nghị giãn thuế vì sợ ảnh hưởng đến điểm tín dụng ngân hàng và khó tiếp cận vốn sau này.
Dự báo Việt Nam tăng trưởng 3,3%
Ngân hàng Standard Chartered vừa đưa ra dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2020, đạt 3,3%. Bởi lẽ, đại dịch khiến Mỹ, các quốc gia thuộc khu vực đồng euro và nhóm kinh tế G10 có khả năng đi vào suy thoái, nhu cầu thế giới suy giảm nên ảnh hưởng lên tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay. Dự báo, sang năm 2021, nhu cầu thế giới dự kiến sẽ tăng trở lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ đạt 6,5%.
Trước đó, nhiều tổ chức nước ngoài đã đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 trong bối cảnh bị tác động bởi Covid-19. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào ngày 14/4 dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay, còn kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 2,7%.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thì cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 đạt 4,8%; lạm phát ở mức 3,3%. Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và khu vực kinh tế tư nhân năng động.
Giá dầu lần đầu xuống âm
Gây chấn động thị trường toàn cầu tuần qua là sự kiện giá dầu thô lần đầu tiên trong lịch sử xuống mức âm. Trong phiên ngày 20/4, dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 5 trên sàn New York liên tục lao dốc. Thấp nhất, có lúc giá giảm về âm 40,32 USD. Chốt phiên, mỗi thùng dầu loại này chỉ còn âm 37,63 USD, đánh dấu biên độ giảm tồi tệ nhất trong một phiên giao dịch của giá dầu. Giá dầu về âm có nghĩa là, người bán sẽ trả cho người mua 37,63 USD mỗi thùng dầu.
Nhưng vấn đề là không ai muốn mua lúc này. Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu xăng dầu giảm mạnh, do giao thông và công nghiệp ngưng trệ. Dầu vẫn được sản xuất ra đều đặn nhưng các kho chứa trên khắp thế giới đã gần đầy. Các nhà buôn không còn chỗ chứa dầu và chi phí lưu trữ tăng cao khiến cho họ phải chấp nhận trả tiền để kiếm người nhận dầu.
Tại Mỹ, hàng loạt công ty dầu mỏ đang đứng trước nguy cơ phá sản. Nhiều công ty đã dừng sản xuất và Tổng thống Donald Trump hứa hẹn sẽ có giải pháp để giải cứu ngành dầu. Trong khi đó, thậm chí đã có một dự báo kém lạc quan rằng giá dầu có khả năng xuống mức âm 100 USD mỗi thùng nếu nhu cầu sử dụng vẫn quá yếu vì đại dịch.
Startup Đông Nam Á thắt chặt chi tiêu
Startup khắp Đông Nam Á đang cố gắng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh doanh thu bị ảnh hưởng vì đại dịch và giới đầu tư thận trọng rót vốn hơn. "Vốn rót cho các startup sẽ rất ít, vì vậy, việc cắt giảm chi phí cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng và triệt để", GV Ravishankar, giám đốc điều hành quỹ Sequoia Capital Ấn Độ nhận định.
Startup về nền tảng thanh toán số FOMO Pay đã giảm lương nhân viên từ 20-50% để trang trải cho các hoạt động trong tháng 3 vừa qua. Để hỗ trợ nhau vượt khó, CEO FOMO Zack Yang cùng CEO của 30 công ty khởi nghiệp khác tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia thành lập nhóm "SEA Founder".
Giden Lim, giám đốc điều hành startup về giao nhận hoa BloomThis tại Malaysia và cũng là thành viên của SEA Founder cho biết, công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh kiểm soát đi lại. BloomThis buộc phải cắt giảm tất cả các chi phí marketing, yêu cầu chủ nhà giảm tiền thuê mặt bằng, tìm kiếm viện trợ từ ngân hàng, xem xét giảm lương nhân viên.
Công ty chuyên phát triển Game - Agate International tại Indonesia đã quyết định đóng băng hoạt động tuyển dụng nhân sự. Hay như ví điện tử YouTrip đã giảm lương của đội ngũ nhân sự cấp cao và và cắt giảm 50% chi phí marketing. Traveloka sa thải 100 nhân viên, tương đương với 10% đội ngũ nhân sự.
Theo bà Lê Hoàng Uyên Vy, Đối tác điều hành ESP, bài toán lớn nhất hiện thời của startup là duy trì đủ tiền mặt để sống sót qua Covid-19. Các biến số trong bài toán này bao gồm dòng tiền và lượng tiền mặt hiện có để duy trì hoạt động doanh nghiệp. Startup cần tự đặt những câu hỏi như có cần giảm giá sản phẩm dịch vụ để giữ chân người tiêu dùng, có cần chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ dòng tiền lưu thông nhiều nhất có thể...
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Giải pháp kinh doanh mùa Covid-19 liệu có khả thi về lâu dài?
- Chuyện của Quang Đăng – Từ trường kinh doanh đến chàng vũ công “gây sốt”
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- Nhà sáng lập Seed Planter: Làm doanh nghiệp tạo tác động xã hội “khó mà dễ”
- “Cơn sốt” malware, virus hay ransomware… cảnh báo mối nguy cho doanh nghiệp về bảo mật
- “Đầu lạnh - tim nóng” giữa khủng hoảng Covid-19
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“
- #CùngNhìnLại: 62.000 tỷ đồng, hơn 90 startup, 4 tỷ phú... những con số “lấn át” Covid-19 tuần qua?