“Sức khỏe” doanh nghiệp Việt đang dần hồi phục; Kinh tế toàn cầu sắp thoát đáy...

Dù còn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch nhưng "sức khoẻ" của các doanh nghiệp Việt đang dần hồi phục; Trên thế giới, các chuyên gia cũng cho rằng kinh tế toàn cầu sắp thoát đáy.
Kinh doanh mùa dịch bớt khó khăn
Chiều 8/5, VCCI công bố khảo sát lần thứ 2 về thực trạng "sức khỏe" của cộng đồng doanh nghiệp, được tiến hành cuối tháng 4 đầu tháng 5/2020. Kết quả cho thấy, 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III/2020, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động.
So với cuộc khảo sát lần 1 cách đây một tháng, kết quả này đã tốt hơn. Lúc đó, chỉ hơn 30% doanh nghiệp cho rằng khó có khả năng trụ vững sau 3 tháng, trên 50% không thể trụ nổi sau 6 tháng, 20% có thể tồn tại quá 12 tháng nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp.
VCCI cho rằng, việc từng bước kiềm chế, đẩy lùi dịch đại dịch, dỡ bỏ dần giãn cách xã hội, mở cửa thị trường trong nước, đã giúp nền kinh tế đã chuyển biến rất nhanh. Dù mức độ có giảm so với một tháng trước, nhưng doanh nghiệp vẫn còn rất khó khăn. Gần 70% cho biết bị giảm doanh thu; 45% thiếu vốn, thiếu dòng tiền; 22% khó khăn trong việc tìm kiếm vật tư, nguyên liệu; 18% thiếu lao động có kĩ năng.
Cộng đồng doanh nghiệp đang muốn Chính phủ tiếp tục bổ sung các khoản hỗ trợ hợp lý, như kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản phải trả, phải thu; miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, cắt giảm các khoản phí, lệ phí, nới "room" - nâng trần tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Không để tăng trưởng quá thấp vì Covid-19
Trong cuộc họp ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành có kịch bản để tăng trưởng GDP năm nay cao hơn mức IMF dự báo 2,7%. "Không thể để tăng trưởng kinh tế quá thấp. Có tăng trưởng mới giải quyết được việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo", Thủ tướng đề nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã báo cáo dự thảo Nghị quyết các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh Covid-19.
Ngoài việc miễn, giảm, gia hạn tiền thuê đất, phí, lệ phí... Chính phủ dự kiến giảm 2% lãi vay trực tiếp, vay gián tiếp với doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng hỗ trợ của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chính phủ cũng cắt giảm 30% kinh phí hội họp, công tác trong nước; 50% kinh phí công tác nước ngoài của các bộ, cơ quan và địa phương.
Trước đó, báo cáo của bộ này cho biết, Covid-19 đã tác động mọi mặt tới kinh tế Việt Nam trong tháng 4. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 10,5% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ giảm 26% trong tháng 4 và tính chung 4 tháng sụt 4,3% cho thấy người dân giảm mạnh chi tiêu.
Giá nhà vẫn tăng mùa dịch
Theo Bộ Xây dựng giao dịch mua bán bất động sản trong quý I – thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp – lao dốc ở cả Hà Nội và TP. HCM, lần lượt giảm 62% và 45% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, mặt bằng giá lại không có nhiều biến động, thậm chí còn tăng ở phân khúc chung cư và nhà ở riêng lẻ.
Tại Hà Nội, giá chung cư quý I tăng khoảng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, phân khúc trung cấp và bình dân tăng lần lượt 1,57% và 2,51%. Tại TP. HCM, giá phân khúc này cũng tăng khoảng 3,5%. Trong đó, căn hộ thuộc phân khúc bình dân tăng mạnh nhất, ở mức 3,78%.Với nhà ở riêng lẻ, giá tăng khoảng 3,82% (Hà Nội) và 8,36% (TP. HCM) so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, Savills cũng cho biết giá bán căn hộ chung cư, nhà thấp tầng tại Hà Nội trong quý I không giảm so với quý trước. Giá sơ cấp tăng 10% so với cùng kỳ năm 2019, lên 1.460 USD mỗi m2. Còn CBRE Việt Nam thì cho hay giá bán trung bình của mỗi căn hộ tại thị trường sơ cấp tại TP. HCM là 1.936 USD mỗi m2, tăng 2% so với quý trước và 9% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo các chuyên gia, giá căn hộ tại Hà Nội và TP. HCM những năm gần đây luôn có xu hướng tăng do quỹ đất ngày càng hạn hẹp. Ngoài ra, quý I cũng là khoảng thời gian chứng kiến sự suy giảm về nguồn cung nhà ở và lượng giao dịch trên thị trường nên giá càng khó giảm.
Giữ mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng
Gửi báo cáo đến Hội nghị Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra ngày 9/5, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Bộ này dự kiến, với đề xuất nêu trên, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi.
Như vậy, cho đến nay Bộ Tài chính vẫn bảo lưu quan điểm về mức giảm trừ gia cảnh mới là 11 triệu đồng/tháng dù có những ý kiến chưa đồng thuận của chuyên gia và người dân. Cuối tháng 3/2020, Bộ Tài chính cho biết đã theo dõi biến động CPI – với tỷ lệ lạm phát là 23,2% - để tính toán ra mức giảm trừ gia cảnh mới.
Theo lãnh đạo Bộ, mức điều chỉnh thành 11 triệu đồng/tháng là phù hợp biến động giá cả. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế tính toán rằng, giai đoạn 2012 - 2019, lạm phát đã tăng đến 48%. Do vậy, mức giảm trừ gia cảnh ít nhất phải từ 12,8 - 13,5 triệu đồng/cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc là 5,1 - 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế toàn cầu có thể sắp thoát đáy
Goldman Sachs cho biết phong tỏa và giãn cách xã hội đang dần nới lỏng khi các nước thận trọng mở cửa lại nền kinh tế. Tây Ban Nha và Italy cũng đã nới phong tỏa sau gần 2 tháng áp dụng nghiêm ngặt. Tổ chức này dự báo GDP các nền kinh tế phát triển sẽ giảm trung bình 32% quý II. Tuy nhiên, trong hai quý cuối năm, các nước sẽ tăng trưởng trở lại với tốc độ lần lượt 16% và 13%.
Morgan Stanley cũng cho rằng nhiều chỉ số cho thấy kinh tế toàn cầu đang trong quá trình chạm đáy và bật lại. Kỳ vọng của người tiêu dùng đã cải thiện, xu hướng dịch chuyển cũng tăng lên và việc giảm chi tiêu cũng đang chậm lại so với các tuần đầu đại dịch bùng phát. Cụ thể, kinh tế Trung Quốc đã chạm đáy từ tháng 2. Khu vực đồng Euro có thể đã chạm đáy vào tháng 4 và Mỹ sẽ nối gót vào cuối tháng này.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều tâm lý thận trọng. HSBC cảnh báo nhà đầu tư không nên đặt cược vào "khả năng bật lại nhanh của kinh tế toàn cầu". Chuyên gia ngân hàng này cho rằng, khi Chính phủ các nước ngày càng nới lỏng phong tỏa, rủi ro đi kèm là đợt bùng phát thứ 2 có thể diễn ra, khiến các hoạt động kinh tế càng gián đoạn hơn.
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Ứng phó Covid: Từ “đòn bẩy” nội lực đến tư duy sáng tạo
- Ứng phó Covid: Duy trì, rút lui hay đương đầu?
- Giải pháp kinh doanh mùa Covid-19 liệu có khả thi về lâu dài?
- Chuyện của Quang Đăng – Từ trường kinh doanh đến chàng vũ công “gây sốt”
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Nhà sáng lập Seed Planter: Làm doanh nghiệp tạo tác động xã hội “khó mà dễ”
- “Cơn sốt” malware, virus hay ransomware… cảnh báo mối nguy cho doanh nghiệp về bảo mật
- Đừng bỏ quên sức khỏe tinh thần trong đại dịch
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Nine motivational books for the after-Covid-19 period that you can't miss