Deep Tech có thể mang lại thành công lớn nhưng chưa phải là tất cả

Trí tuệ nhân tạo (AI) và mảng nghiên cứu về công nghệ và kỹ thuật nền tảng (Deep Tech) đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các startup vì nhiều ưu điểm tuyệt vời của nó. Không ít tên tuổi đã bức phá như "hổ mọc thêm cánh" nhờ áp dụng AI và Deep Tech thành công.
AI, Deep Tech có phải là tất cả?
Thực tế, thị trường AI đã tăng trưởng cực kỳ ổn định những năm qua. Theo số liệu của Statista, tổng doanh thu 2018 của thị trường này tại Mỹ đạt 28,1 tỷ USD, trong đó IBM là công ty dẫn đầu trong thị trường trí tuệ nhân tạo toàn cầu, với doanh số lên tới khoảng 2,6 tỷ USD. Cùng với đó, lượng tiền đổ vào các công ty khởi nghiệp AI trong năm này cũng lên tới 18,8 tỷ USD. Còn SenseTime là công ty khởi nghiệp AI được tài trợ tốt nhất năm 2019 với nguồn vốn chủ sở hữu được bảo đảm khoảng 1,63 tỷ USD. Điều đó cũng cho thấy một sự chuyển dịch lớn từ đầu tư vào khởi nghiệp công nghệ đơn thuần (Tech) vào đầu tư khởi nghiệp công nghệ sâu (Deep Tech).
AI có khả năng cho phép đưa ra những quyết định thông minh hơn dựa trên dữ liệu mà nó thu thập được, cũng như cho phép các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mang giá trị lớn hơn cho khách hàng. Thu hút thị trường như vậy, nhưng một số chuyên gia cho rằng nếu chỉ một mình AI hay Deep Tech là chưa đủ.
"Mặc dù công nghệ ngày nay đã tinh vi hơn nhiều, nhưng một sự thật cơ bản vẫn tồn tại: AI thực chất không tạo ra giá trị tiêu dùng. Chúng tôi không đầu tư vào AI hay Deep Tech, thay vào đó là "Deep value" (giá trị thực)", chuyên gia Peng T. Ong của quỹ Monk's Hill Ventures nói với Venturebeat.
Công nghệ AI thực sự đã bùng nổ những năm 1980 với những ưu thế đã được chứng minh, tuy nhiên lĩnh vực này cũng nhanh chóng được cường điệu lên. Điều đó dẫn đến trào lưu đầu tư nở rộ ở một giai đoạn trước đây. Thay vì xem xét giá trị của các ý tưởng khởi nghiệp, các nhà đầu tư tìm kiếm các công nghệ - tưởng chừng như thú vị để rót vốn. Đây là lý do tại sao hầu hết các thế hệ đầu tiên của các công ty AI như: Symbolics, Intellicorp và Gensym từng rất nổi tiếng, đã biến mất.
Từ năm 2000, số vốn mạo hiểm đầu tư vào lĩnh vực AI tăng gấp 6 lần. Từ đó, số lượng các công ty startup lĩnh vực AI cũng tăng gấp 14 lần. Lúc này, dường như "bánh xe đổ" về sự cường điệu lại lặp lại. Trước khi tập trung vào công nghệ hay Deep Tech, có vẻ chúng ta đang bỏ qua phần có giá trị thương mại nhất của một startup: Doanh nghiệp đó đang giải quyết vấn đề gì? Và thay vì Deep Tech, họ đang tạo ra những "Deep value" nào?
"Vì thế, tôi chọn đầu tư vào các công ty - nơi tận dụng AI để mang lại nhiều giá trị sâu sắc cho khách hàng của họ", Peng T. Ong khẳng định.
Nhiều công ty công nghệ hàng đầu thế giới như: Apple, Amazon, Alphabet, Microsoft, Facebook, Alibaba và Tencent đang thực hiện nghiên cứu về AI và các phần mềm Deep Tech khác nhưng có một sự thật là hầu hết trong số họ đã không khởi đầu như một công ty Deep Tech. Thay vào đó, họ bắt đầu bằng cách cố gắng giải quyết vấn đề "cạn" hơn bằng cách sử dụng "Shallow Tech".
"Điều đó có nghĩa là, khi bạn quyết định rót vốn cho một công ty, đừng đầu tư vì "Deep Tech", hãy đầu tư vì giá trị thực, vì "Deep value". Nếu ta cần đến công nghệ, nó sẽ được phát triển sau đó", Peng T. Ong đưa ra lời khuyên.
Thực tế là cách đây 15 năm, Facebook xây dựng dựa trên nền tảng PHP và đây là yếu tố có thể khiến các nhà tài trợ Deep Tech từ chối tài trợ. Tuy nhiên, sau khi công ty xây dựng Deep Tech vào nền tảng, đồng thời tận dụng những cải tiến mới để mở rộng giá trị và làm cho sản phẩm của mình ngày một tốt hơn dựa trên nguyên tắc "mang lại giá trị cho khách hàng", mạng xã hội này đã thành công. Những câu chuyện tương tự cũng xuất hiện ở Grab hay Go-Jek (Go Viet tại Việt Nam).
SensorFlow – Sự thành công của Deep Tech ở lĩnh vực khách sạn
SensorFlow cung cấp các giải pháp IoT và AI tối ưu hóa hiệu suất hệ thống của khách sạn và giảm lãng phí năng lượng, bằng cách tự động hóa nhiệt độ phòng theo hành vi của khách và tiết kiệm tới 30% trong việc sử dụng năng lượng.
Cụ thể hơn, công ty đã dựa vào hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) giúp làm mát tất cả các tòa nhà và tối ưu tiết kiệm điện cho hệ thống này. Một nghiên cứu năm 2014 của Green Hotelier về các khách sạn trên 300 phòng ở Đức cho thấy, các hệ thống HVAC chịu trách nhiệm cho khoảng 22% mức tiêu thụ năng lượng.
Để có được điều này, SensorFlow đã sử dụng hệ thống Internet của vạn vật (IoT) cho các thiết bị được kết nối với nhau. Điều này nhằm để trao đổi dữ liệu theo thời gian thực của người dùng trong phòng khách sạn được gửi lên đám mây để phân tích. Bằng cách giám sát dữ liệu thời gian thực về hành vi của khách và mức tiêu thụ năng lượng, SensorFlow sau đó có thể cung cấp cho chủ khách sạn những hiểu biết để tự động hóa việc ra quyết định và tối ưu hóa hiệu quả năng lượng.
"Công ty chúng tôi đã phát triển từ nhu cầu tối ưu hóa hết sức rõ ràng và cấp bách của hầu hết hệ thống khách sạn trên toàn thế giới", đại diện SensorFlow, ông Ranganathan, chia sẻ. "Chúng tôi nhận ra rằng khách sạn là một trong những nạn nhân lớn nhất của việc sử dụng năng lượng kém hiệu quả, cũng như đối mặt với những rào cản lớn trong việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm hiện có do ngân sách chi tiêu hoạt động hạn chế. Thậm chí, các giải pháp hiện có không chỉ tốn kém mà còn gây rối ồ ạt khi cài đặt".
Thay vì phục hồi hoàn toàn hệ thống sưởi ấm của khách sạn, SensorFlow cung cấp giải pháp trang bị các hệ thống nhằm tận dụng tối đa công suất hoạt động và tránh thời gian chết không đáng có. Cụ thể hơn, giải pháp sẽ tự động điều chỉnh hệ thống điều hòa không khí khi khách ở bên ngoài phòng của họ và tắt chúng khi cửa ra vào hoặc cửa sổ ban công bị mở. Hệ thống cũng cung cấp các cảnh báo bảo trì dự đoán và phát hiện lỗi hệ thống, tạo ra một khách sạn thông minh cho phép nhân viên phản hồi các vấn đề trước khi khách thông báo.
Với những tính năng tối ưu này, SensorFlow đã nhận được vốn đầu tư từ SGInnovate một tổ chức thuộc sở hữu của Chính phủ Singapore đầu tư và giúp xây dựng các công ty khởi nghiệp Deep Tech.
Startup tại Việt Nam liệu có thành công với Deep Tech?
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng Deep Tech như giải pháp mới có tính chất chủ đạo, tăng lợi thế cạnh tranh, thậm chí là sự sống còn. Nói về điều này, một số chuyên gia cho rằng chúng ta đang có rất nhiều lợi thế, có thể thành công với Deep Tech như SensorFlow.
Chuyên gia Tuấn Nguyễn, phó giám đốc của SGInnovate đánh giá cao thị trường Việt Nam trong việc ứng dụng Deep Tech. "Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái Deep Tech tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như AI và Blockchain trong vài năm qua. Các doanh nghiệp Deep Tech tại Việt Nam cũng đầy tham vọng, mong muốn được các nhà đầu tư trao cơ hội, càng lớn càng tốt", ông Tuấn nhận định.
Theo ông Tuấn, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết và luôn mong muốn được áp dụng các công nghệ mới, đặc biệt là Deep Tech. Đây chính là lợi thế rất lớn mà không phải quốc gia nào cũng có.
"Là nhà đầu tư Deep Tech và thường xuyên đóng vai trò là chất xúc tác cho các mối quan hệ đối tác khởi nghiệp, SGInnovate nhận thấy có rất nhiều tiềm năng để tham gia vào hệ sinh thái Deep Tech tại Việt Nam, cũng như tham gia đầu tư, bắt tay hợp tác với công ty khởi nghiệp đang muốn triển khai Deep Tech ở nhiều quy mô khác nhau", ông Tuấn cho biết. "Tuy nhiên, các startup tại đây cũng thiếu đi sự đầu tư, chỉ cần có đầu tư, họ có thể bật lên như lò xo bị nén vậy".
Đồng quan trên, CEO Lợi Lưu của Kyber Network, mạng giao dịch tiền số phân quyền đã kêu gọi được 52 triệu USD từ hơn 21.000 nhà đầu tư nhỏ lẻ trong đợt chào bán token hồi tháng 9/2017, cũng cho rằng Việt Nam là môi trường tốt để startup Deep Tech khởi động.
"Với gần 100 triệu dân, các startup chỉ cần hoạt động trong nước là đã quá tốt, quá hấp dẫn", ông Lợi chia sẻ. Tuy vậy, chuyên gia này nhận định rằng sẽ có một số trở ngại nhất định cho lĩnh vực này, chẳng hạn hệ thống pháp lý chưa rõ ràng, nhiều nhà sáng lập có tài năng nhưng tầm nhìn ngắn hoặc mơ hồ…

CHUYÊN GIA TUẤN NGUYỄN, PHÓ GIÁM ĐỐC - SGINNOVATE
Trong hai năm qua, ông Tuấn đã cùng với SGInnovate hợp tác với hơn 60 công ty tại Singapore và quốc tế, giúp SGInnovate trở thành một trong những doanh nghiệp về Deep Tech hàng đầu khu vực và nhiều quốc gia toàn cầu. Hiện cộng đồng của tổ chức gồm hơn 25.000 công ty khởi nghiệp, nhà đầu tư, nhà đổi mới doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và học giả, chính phủ và các đối tác quốc tế.
Đáng chú ý, ông Tuấn cũng là người đưa ra ý tưởng Hội nghị thượng đỉnh Deep Tech, một hội nghị uy tín, quy tụ rất nhiều nhà lãnh đạo tiên phong từ khắp nơi trên thế giới, cùng tham gia thảo luận về tác động của các công nghệ tiên tiến như AI trong các ngành công nghiệp và trong xã hội.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Giải mã thành công #1 - GrabFood: Chiến thắng của người đến sau
- Thêm một ứng dụng đa nền tảng được Facebook, PayPal rót vốn
- Tạo cộng đồng lớn trên Facebook để chia sẻ, không nhằm mục tiêu kiếm tiền
- Lợi Lưu và niềm tin vào Blockchain với Kyber Network
- CEO Kyber Network Lợi Lưu: “Blockchain là cơ hội bứt phá về công nghệ cho người Việt”
- Data – “Nguồn sống” của Marketing 4.0
- Sử dụng sức mạnh Internet trong thời Covid ra sao?
- Deepfake – ác quỷ Internet
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0
- Data Station #11 – Tương lai tài chính số Đông Nam Á
- Interview: The “power” of data in a new marketing age
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ TOP STARTUP NỔI BẬT CỦA SK STARTUP FELLOWSHIP 2021 SẴN SÀNG “BÙNG NỔ” TẠI DEMO DAY