Diễn viên AI đầu tiên trên thế giới

Robot nữ xinh đẹp Enrica của hai nhà khoa học Nhật Bản Hiroshi Ishiguro và Kohei Ogawa sẽ đi vào lịch sử điện ảnh thế giới khi tham gia vai nữ chính trong bộ phim "B" sắp tới. Tuần qua, Vabiotech cũng công bố đang tiến hành thử nghiệm vaccine Covid-19 với nhiều tín hiệu khả quan, kỳ vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này.
Vingroup sản xuất đại trà máy thở Vsmart
Sau khi được Bộ Y tế cấp phép, Vingroup đã bắt đầu chính thức sản xuất đại trà máy thở Vsmart VFS-510. Dự kiến, lô đầu tiên chuyển tới Đại sứ quán Nga và Ukraina vào ngày 26/6. Trước đó, Vingroup cũng đã gửi mẫu máy thở cho Nga và Ukraina thực hiện các thủ tục kiểm định chất lượng theo quy định.
Việc sản xuất đại trà máy thở của Vingroup được đánh giá là kịp thời, đáp ứng nhu cầu điều trị khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Máy thở xâm nhập Vsmart VFS-510 do Vingroup phát triển dựa trên mẫu PB560 của hãng Medtronic. 70% các cụm linh kiện là do Vingroup chủ động nghiên cứu để tự sản xuất hoặc nội địa hóa, bao gồm những cụm linh kiện cốt lõi và phức tạp như quạt thổi khí (blower), các bo mạch (PCBA điều khiển, nguồn...) đến bàn phím, màn hình hiển thị, vỏ máy, pin...
Theo Vingroup, quá trình phát triển Vsmart VFS-510 có sự phối hợp của Medtronic, với đội ngũ kỹ sư tham gia hiệu chỉnh lại phần mềm. Máy cũng được Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm kỹ thuật 1 Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Viện Trang thiết bị Y tế tiến hành nhiều bài đo kiểm. Do đó, máy thở mới được giới chuyên môn đánh giá cao về chất lượng.
Trung Quốc hoàn thành hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu
Sáng ngày 23/6, Vệ tinh thứ 30 và là cuối cùng trong hệ thống định vị Bắc Đẩu thế hệ thứ ba (Beidou-3) của Trung Quốc đã được phóng thành công, hoàn tất hệ thống định vị toàn cầu riêng.
Vệ tinh mang tên Beidou-3GEO3 được gắn trên đỉnh tên lửa đẩy Trường Chinh 3B cất cánh vào lúc 8h43 sáng 23/6 theo giờ Hà Nội. Đây là vệ tinh được lên kế hoạch phóng từ tháng 5 nhưng nhiều lần bị trì hoãn do những vấn đề kỹ thuật liên quan đến tên lửa đẩy trong quá trình thử nghiệm.
Beidou-3 được Trung Quốc phát triển trong ba năm qua. Đây là mạng lưới vệ tinh không gian lớn nhất của Trung Quốc và là một trong bốn hệ thống định vị toàn cầu trên thế giới. Ba hệ thống còn lại là GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của châu Âu. Tuy nhiên, do "sinh sau đẻ muộn", Beidou-3 được mô tả là chính xác hơn với sai số chỉ 10cm.
Hệ thống định vị toàn cầu mới của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ kết hợp với mạng 5G để hỗ trợ tối đa xe tự lái, robot, giao thông tự động… Dù có độ phủ toàn cầu, Beidou-3 dự kiến sẽ phục vụ chủ yếu tại Trung Quốc và châu Á.
Vaccine Covid-19 của Việt Nam được đánh giá sinh miễn dịch cao
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia đang tích cực nghiên cứu vaccine chống Covid-19. Trong số đó, vaccine Covid-19 do Công ty TNHH Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Bộ Y tế triển khai cho kết quả bước đầu khả quan.
Cụ thể, các chuyên gia đã tiêm thử nghiệm trên 50 con chuột. Sau đó, mẫu huyết tương của chúng đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá.
Bằng việc tiêm so sánh với chính chủng virus hoang dại đã được bất hoạt cho chuột, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xác định các mẫu huyết thanh này đã cho đáp ứng kháng thể. Đặc biệt, trong đó có những mẫu đáp ứng khá cao. "Đây sẽ là cơ sở để đội ngũ chuyên gia phát triển thành vaccine hoàn chỉnh để chống lại Covid-19", PGS.TS Nguyễn Lê Khánh Hằng, Phó trưởng Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nói.
Kết quả này cũng đã giúp Vabiotech đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn nghiên cứu quan trọng nhất của dự án. Ở giai đoạn hai, đội ngũ chuyên gia sẽ phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để tiến tới thử nghiệm sử dụng cho người.
Với việc vaccine chống Covid-19 đang trên đường nghiên cứu thành công, các chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực này. Trước đó, Việt Nam cũng là số ít quốc gia kiểm soát và ngăn chặn thành công đại dịch.
Robot nữ xinh đẹp được mời đóng phim
Sam Khoze, người phụ trách kỹ xảo điện ảnh của phim "B" cho biết robot giống người có tên gọi Enrica sẽ đảm nhận vai nữ chính. Đây là lần đầu tiên đánh dấu việc sử dụng diễn viên là AI.
"B" là bộ phim do hãng Bondit Capital Media và Ten Ten Global Media ở New York, Mỹ, sản xuất với kinh phí 70 triệu USD. Nội dung phim nói về một nhà khoa học phát hiện sự cố trong nghiên cứu nhân bản ADN và giúp nữ người máy mà ông tạo ra bỏ trốn.
Để có các biểu cảm tự nhiên trong phim, đoàn làm phim đã hàng ngày huấn luyện cho nó, bằng cách mô phỏng từng cử động và cảm xúc qua từng phân đoạn. Các cử chỉ như tốc độ vận động, cảm xúc khuôn mặt, phát triển tính cách nhân vật và ngôn ngữ cơ thể sẽ được "đào tạo" nhiều lần trước khi "diễn xuất".
Enrica là kết quả nghiên cứu của hai nhà khoa học Nhật Bản Hiroshi Ishiguro và Kohei Ogawa. Robot này được đánh giá là robot đẹp nhất thế giới từ khi ra mắt năm 2018 với ngoại hình giống hệt một thiếu nữ trẻ tuổi. Ban đầu, nó được hướng đến là MC truyền hình nhưng hiện nay robot này có nhiều biệt tài hơn, kể cả việc chủ động tương tác với con người.
Ngôi vị máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới có chủ mới
Hãng công nghệ Mỹ Honeywell cho biết đã chế tạo thành công máy tính lượng tử mạnh nhất thế giới, với Khối lượng Lượng tử (Quantum Volume) đạt 64 điểm, gấp đôi mức 32 điểm của siêu máy tính mạnh nhất từ IBM. Khối lượng Lượng tử được xem là chỉ số sức mạnh, được sử dụng để thể hiện tính hiệu quả của một máy tính lượng tử.
Máy tính lượng tử của Honeywell được đặt tại Boulder, Colorado (Mỹ). Cỗ máy có trọng tâm là một buồng thép không gỉ có kích cỡ bằng quả bóng rổ, đi kèm một số lỗ nhỏ cho tia laser xuyên qua. Bên trong buồng này được đặt các "bẫy" ion. Các nhà khoa học sẽ chiếu tia laser vào "bẫy" ion này để thực hiện các hoạt động lượng tử.
Cỗ máy sẽ phục vụ cho việc nghiên cứu và tính toán của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ nếu có yêu cầu. Hiện tại, Tony Uttley, Chủ tịch của Honeywell Quantum Solutions, cho biết chi phí cho mỗi giờ tính toán bằng máy tính lượng tử lên đến 10.000 USD. Hãng dự kiến sẽ tăng Khối lượng Lượng tử của máy lên 10 lần mỗi năm để đạt hiệu suất tính toán cao hơn nữa.
Trước đó, Google cũng tuyên bố phát triển thành công máy tính lượng tử Sycamore cực mạnh, chỉ mất khoảng 200 giây (3 phút 20 giây) để thực hiện xong phép toán mà IBM Summit, siêu máy tính mạnh nhất thế giới, phải mất 10.000 năm mới giải xong. Tuy vậy, các chuyên gia nghi ngờ kết quả này.
Máy tính lượng tử được đánh giá là xu hướng của tương lai. Nó có thể nghiên cứu quá trình chống lão hóa, tạo vật liệu mới, dự đoán thị trường, phân tích quân sự… và rất nhiều ứng dụng khác.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/dien-vien-ai-dau-tien-tren-the-gioi-6482.html
---
Kỷ nguyên 4.0 đang thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao? #30GiâyCôngNghệ giúp bạn cập nhật những diễn tiến vạn vật thế giới đang kết nối trên Internet tính bằng từng phút, từng giây để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Tác giả Gia đình Ngộ: “Ý tưởng là định hướng, Trending là gia vị” của truyện tranh thời số
- Martech Trend 2020
- Mô hình O2O - Phần 1: Vì sao O2O vẫn là xu hướng tiếp cận người tiêu dùng không bao giờ cũ?
- Sàn diễn online – Xu hướng tất yếu cho ngành thời trang
- Đạo diễn Bảo Nguyễn cùng hành trình 5 năm tái hiện cuộc đời Lý Tiểu Long và giấc mơ Oscar cho điện ảnh Việt Nam
- “Ròm” – Bước ngoặt cho điện ảnh Việt Nam trước tuổi 30 của đạo diễn Trần Thanh Huy
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- Khát vọng nối dài cánh tay robot made-in Vietnam của Phạm Văn Được
- Đồng sáng lập School of Gumption, Phạm Hải Yến: “Tình yêu và trí tưởng tượng sẽ giúp ta chinh phục robot”
- Bạn có thể không phải người xuất sắc nhất nhưng phải là người hạnh phúc!
- #ExtraordinaryChallenge cùng Vương Anh Tú trong cuộc đấu tranh giảm 30kg mỡ thừa để tự tin debut với vai trò làm ca sĩ
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- 70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc
- Ba nữ tiến sĩ Việt vào top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Nine motivational books for the after-Covid-19 period that you can't miss