Hình ảnh con thú bị giết hại sẽ khơi dậy lòng trắc ẩn của con người

"Từ thập niên 60 đến nay, khoảng 96% số lượng tê giác bị giết hại để phục vụ cho những người tin lời đồn thổi vô căn cứ về sức khỏe, cho người thích phô trương chiến tích hay sự giàu có của mình"
Nguyễn Ngọc Như Thảo là môt nhà bảo tồn động vật hoang dã, nhiếp ảnh gia, đồng thời là người tư vấn cho các chương trình về bảo tồn và môi trường. Chị làm việc cho các tổ chức phi chính phủ như Born Free Foundation và #RememberingWildlife. Trong 5 năm làm việc cho tổ chức #RememberingWildlife, chị được nhiều người biết đến là người truyền cảm hứng về ý thức bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã, chăm sóc và đưa trả về thiên nhiên nhiều loài như tê giác, hươu cao cổ, sư tử, đười ươi và các động vật có nguy cơ tuyệt chủng khác ở châu Phi và châu Á. Từ năm 2017 đến 2019, Thảo đã tích cực hoạt động tại các khu bảo tồn động vật và các trại trẻ mồ côi ở Nam Phi, Kenya, Tanzania, Indonesia… Chị cũng là chuyên gia tư vấn về trách nhiệm bảo vệ môi trường cũng như tìm nguồn cung ứng bền vững cho các khách hàng doanh nghiệp lớn, chủ yếu trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam. Một cô kiến trúc sư trẻ đã quyết định bỏ ngang công việc trong ngành Thiết kế nội thất để sang Anh du học về ngành Bảo tồn động vật học, với ước mơ đi "cứu thế giới". Ai nói chuyện "cứu thế giới" là viển vông? Hãy nghe Nguyễn Ngọc Như Thảo, nói về hành trình của mình: "Phải đi cứu thế giới!" hoàn toàn không phải là ước mơ viễn vông mà đó là một suy nghĩ giản đơn trước tình trạng động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bởi vì sự sinh tồn của các loài động vật trong thiên nhiên có ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái và cuộc sống của loài người. Con người giết hại quá nhiều các loài động vật trong thiên nhiên cũng chính là tự tay phá hủy trái đất tươi đẹp của mình.
Có vẻ như chị dành nhiều tâm huyết cho tê giác nhất trong số tất cả các loài động vật hoang dã?
Tôi quan tâm đến tất cả các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, và tê giác là một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Tính từ thập niên 60 đến nay thì 96% số lượng tê giác đã biến mất, nguyên nhân chính là do săn trộm lấy sừng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia mua bán và tiêu thụ sừng tê giác. Ở Việt Nam, con tê giác cuối cùng đã chết vào năm 2016, đánh dấu sự tuyệt chủng của loài này ở nước ta trong môi trường tự nhiên.
Trong những lần đi tình nguyện trước đây, tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng hết sức thương tâm. Tê giác mẹ bị bỏ mặc đến chết với vết chặt ngang mặt và cặp sừng đã bị mất. Tê giác con quanh quẩn bên cạnh xác của mẹ cho đến khi chết đói hoặc bị những con thú lớn ăn thịt. Những hình ảnh đau lòng ấy ở mãi trong suy nghĩ và trở thành động lực để tôi góp một phần nhỏ giúp bảo vệ các sinh vật đáng thương này.
"Hạnh phúc là khi một con tê giác mất mẹ được cứu sống và trả về thiên nhiên hoang dã thành công."
Trên mạng xã hội, chị có chia sẻ một tấm ảnh rất dễ thương là chị đang cho con tê giác bú sữa, cảm giác có khác gì với khi cho… con mèo nhỏ ở nhà uống sữa không?
Cảm giác rất khác. Khi cho tê giác con bú sữa, tôi thường có tâm trạng vừa vui vừa buồn, vừa hạnh phúc lại vừa lo lắng…
Thật là một cảm xúc đặc biệt…
Đúng vậy. Bởi vì khi một con tê giác phải nhận sự chăm sóc của con người nghĩa là nó đã không còn mẹ và phải rời xa thiên nhiên hoang dã, trong hoàn cảnh này thì khả năng sống còn của "bé" tê giác rất thấp. Chỉ đến khi "em bé" ấy trưởng thành khỏe mạnh và được trả về môi trường hoang dã, tôi mới thở phào hạnh phúc.
Vậy còn công việc tại các trung tâm tình nguyện thì sao, chăm sóc một chú sư tử hẳn cũng là một trải nghiệm thú vị?
Cảm giác khi chăm sóc sư tử chắc chắn là không giống chăm bạn mèo ở nhà. Vì sư tử thì to lớn và hùng dũng. Nhưng thỉnh thoảng, khi cho ăn, sư tử cũng mềm mại dễ thương. Phần lớn sư tử tại các trung tâm tình nguyện đều bị bắt làm thú cưng từ nhỏ, công việc của chúng tôi là chăm sóc và giúp chúng lấy lại bản năng hoang dã của mình. Cảm giác hạnh phúc khi đưa một con sư tử trở về thiên nhiên thành công là một cảm giác khó quên.
"Tôi tin và hy vọng rằng hình ảnh đau thương của những con thú bị giết hại sẽ khơi dậy tính nhân văn và lòng trắc ẩn ở đâu đó bên trong mỗi con người".
Câu chuyện thú hoang dã bị tuyệt chủng ở tận châu Phi, liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến người Việt Nam chúng ta?
Tất cả các sinh vật trên thế giới này đều có vai trò làm cân bằng hệ sinh thái. Tê giác là một trong "Big five" mang tính biểu tượng, tạo ra nguồn doanh thu cho ngành du lịch, khuyến khích tình yêu thiên nhiêncũng như truyền cảm hứng cho trí tưởng tượng của trẻ em trên toàn thế giới. Những động vật có vú lớn như tê giác và voi cũng là kiến trúc sư của hệ sinh thái, giúp cân bằng sinh thái rừng và đồng cỏ, góp phần thúc đẩy nhiều loài khác phát triển mạnh mẽ. Trong điều kiện tự nhiên, sẽ có loại sinh vật tự biến mất đi. Nhưng ngày nay, sự sống của đa số các loại động thực vật đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nhu cầu quá mức của con người. Hậu quả của nó là mất cân bằng sinh thái, biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, dù chúng ta không nhận ra được ngay trước mắt.
Đứng trước nguy cơ đó, giới trẻ thế giới đã có sự quan tâm đến vấn đề bảo tồn động vật hoang dã chưa?
Ở các quốc gia phát triển, học sinh được học về vấn đề bảo tồn động vật hoang dã ở trường. Ngoài ra, các em còn được tham gia rất nhiều các hoạt động ngoại khoá, cũng như nghiên cứu ở các viện bảo tàng. Vì vậy, giới trẻ trên thế giới rất quan tâm đến vấn đề này và rất tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện. Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã khá lớn, nhưng người quan tâm đến việc bảo vệ động vật hoang dã chưa nhiều và học sinh cũng không được học ở trường. Thật may, trong các buổi workshop về vấn đề bảo tồn chúng tôi tổ chức, các bạn sinh viên khá quan tâm, đây là một điều thay đổi rất tích cực, chỉ là chưa có một môi trường hay định hướng thích hợp.Ngoài các buổi workshop như vậy, chị còn có những hành động gì khác để tạo ra sự thay đổi trên chính quê hương mình?
Tôi tổ chức gây quỹ cho các khu bảo tồn bằng cách bán tranh, ảnh chụp về thiên nhiên hoang dã. Chúng tôi còn làm một số phim tài liệu ngắn nhằm giúp mọi người hiểu hơn về thực trạng đáng buồn đang diễn ra trong thiên nhiên. Sắp tới, chúng tôi có nhiều hoạt động như: làm phim tài liệu về thiên nhiên và động vật hoang dã ở Việt Nam, phóng sự về suy nghĩ của người trẻ về các vấn đề môi trường. Ngoài ra, chúng tôi còn ấp ủ kế hoạch về một khu bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam, là nơi để các bạn trẻ tiếp cận thông tin về các vấn đề bảo tồn và vấn đề môi trường nói chung.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm: