Học cách vượt qua năm 2020 #1: Mindfulness – Giải pháp khi đời “bế tắc”

Ở phần 1, Mindfulness được định nghĩa là ngồi im, tập trung vào giây phút hiện tại và không phán xét gì trong 20 phút mỗi ngày để thiết lập lại cân bằng hiệu quả cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Thì tiếp theo, chúng ta cần thực hành như thế nào để phương pháp này phát huy hiệu quả tối đa.
Đứng trước một đống e-mail chưa đọc, công việc tồn đọng nhiều ngày chưa giải quyết, cả việc cá nhân cũng chưa xong, bạn hãy dành thời gian để thực hành Mindfulness trước. Nên nhớ là dù có 48 giờ mỗi ngày như mong ước, thì bạn cũng không thể giải quyết hết đống công việc của mình, nếu không thể tập trung vào từng việc nhất định. Cứ từ từ thực hành Mindfulness, bạn sẽ giải quyết hết mớ công việc hỗn độn một cách nhẹ nhàng.
Mindfulness chính là cách giúp bạn làm việc hiệu quả và sống một cuộc đời ý nghĩa!
Quá tải công việc? Mindfulness giúp tăng cường khả năng tập trung
Thời đại internet kết nối hiện nay, ai cũng có lúc rơi vào trạng thái "quá tải". Phải làm nhiều việc cùng một lúc khiến chúng ta dễ bị rối, không thể tập trung. Nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Đại học Rochester cho thấy thực hành Mindfulness được xem là cách giúp nhận biết được những trải nghiệm ở hiện tại hoặc có mặt ngay bây giờ và ở đây, vì vậy mà giúp tăng cường khả năng tập trung trong công việc.
Jon Kabat-Zinn - CEO của trung tâm Center Of Mindfulness tại Đại học Y khoa Massachusetts, cho biết: "Sự tập trung là nền tảng cơ bản của thực hành Mindfulness. Khi chúng ta cảm thấy tâm trí bắt đầu "lang thang" đâu đó, Mindfulness sẽ "kéo" ý thức trở lại với nhiệm vụ trước mắt".
Chúng ta ai cũng không tránh khỏi tình trạng hay mơ hồ, khó tập trung, đang làm thì bỗng dưng quên mất đi việc mình sắp làm, việc này chưa xong đã phải nghĩ đến việc khác. Và cứ thế đến cuối ngày, chúng ta về nhà mang theo sự mệt mỏi mà công việc vẫn chưa đâu vào đâu. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến stress, mệt mỏi, chán nản. Nếu đang gặp phải tình trạng này, Mindfulness sẽ là cách giảm stress thực sự cần thiết.
Mặt khác, việc tập trung tốt sẽ đồng nghĩa với việc tăng hiệu suất trong công việc. Một nghiên cứu trong chương trình "Mindfulness at Work" cho thấy rằng phương pháp này không chỉ là cách giảm stress hiệu quả, nó đã giúp nhân viên tiết kiệm thời gian làm việc đáng kể mỗi ngày. Trong một thế giới mà chúng ta thường bị đòi hỏi phải có kỹ năng làm nhiều việc cùng lúc (Multitasking) và với tần suất liên tục, chúng ta thường dễ lầm lẫn giữa việc cấp bách và việc không quan trọng. Điều nào quan trọng hơn, là một thông báo từ Facebook trên điện thoại hay là dự án trước mặt mình?
Chúng ta thường để những việc không quan trọng chiếm phần lớn thời gian mỗi ngày, nhất là mạng xã hội. Điều này xảy ra khá phổ biến và có thể xảy ra với những người xung quanh bạn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể thay đổi, "đào tạo" bộ não một lần nữa để chú ý đến những gì quan trọng nhất.
Những lợi ích trên là lý do các tập đoàn lớn như Google, Apple, Edmunds, McKinsey, Yahoo và rất nhiều công ty khác hiện đã có phòng thiền tại văn phòng làm việc. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc Mindfulness đối với sự tập trung trong công việc.
Đối mặt với những cảm xúc tồi tệ bằng Mindfulness để có một cuộc sống trọn vẹn và ý nghĩa
Bạn thường phản ứng với những cảm xúc đau khổ, hoang mang hay thất vọng bằng cách nào? Cách thường thấy ở các bạn trẻ là tìm cách giải sầu bằng một chầu nhậu hoặc đi du lịch. Nhưng sau cuộc nhậu hoặc sau chuyến đi chơi, bạn trở lại cuộc sống và vẫn đối mặt với những ý nghĩ gây tổn thương mình, bạn không thể trốn tránh thực tế! Chỉ khi bạn thừa nhận và đối mặt với nỗi sợ và những nguồn cơn gây stress, chấp nhận mọi sự việc đã xảy ra, bạn mới có thể sống đời ung dung.
Theo Jon Kabat-Zinn, khi thực hành Mindfulness, bạn sẽ chú tâm vào những sự việc đang xảy ra trước mắt, như bạn đang uống ly trà màu gì, thơm ra sao, uống có vị đắng hay ngọt... Như vậy bạn sẽ không bỏ qua nhiều khoảnh khắc tốt đẹp trong cuộc sống. Còn nếu đó là chuyện không vui, thì Mindfulness sẽ giúp bạn đối diện nỗi đau và buông bỏ nó một cách nhẹ nhàng. Người ta chỉ buồn đau khi cố níu kéo những quá khứ tiêu cực, tuyệt vọng. Bạn hoàn toàn có thể "tắt" những dòng muộn phiền bằng cách tập trung sự nhận thức về hiện tại - với việc làm trước mắt, với chuyển động của cơ thể, hoặc âm thanh trong không gian, hoặc khung cảnh thiên nhiên ngoài trời... Rồi dần dần, bạn cũng sẽ biết cách phát hiện ra và ngăn cách chúng tác động đến sức khỏe tinh thần của bạn.
Phương pháp Mindfulness giúp cho tư duy và giác quan chúng ta được hoạt động mạnh mẽ. Nó giống như một sự "thức tỉnh" của tâm trí để chú tâm sâu sắc hơn đến những thứ xung quanh. Từ những việc nhỏ như hít thở, ăn uống, tập luyện cho đến cách làm việc hay là một cái ôm với người mình thương… Mindfulness không chỉ giúp chúng ta có thể cảm nhận được những điều đó một cách chân thật mà còn dạy ta biết chấp nhận nỗi buồn, những điều khó khăn hằng ngày như lẽ tự nhiên. Từ đó tâm trí thoải mái, mới có thể dễ dàng đón nhận được những niềm vui xung quanh.
Khi bạn dành cho người bạn đời sự quan tâm và chú ý, bạn đang tạo ra những tác động tích cực lên mối quan hệ đó, tạo sự đồng cảm và giúp cho nó càng sâu sắc hơn.
Thay vì để ý tới những khiếm khuyết hay lỗi nhỏ của người bên cạnh, bạn sẽ tập trung vào từng khoảnh khắc tốt đẹp của hai người nhờ Mindfulness. Từ đó, các bạn có thể cùng hiểu nhau và trân trọng nhau hơn. Khi có những bất đồng hay tổn thương, Mindfulness sẽ giúp bạn thấu hiểu, cảm thông và tha thứ cho nhau. Khi chú tâm vào thực tại, bạn sẽ bỏ qua quá khứ và trở nên vị tha hơn. Chính vì vậy, Mindfulness cũng là nền tảng để hàn gắn các mối quan hệ.
Mời bạn đón đọc tiếp phần 3: Mindfulness để giảm căng thẳng, không rơi vào trầm cảm