“Liều thuốc tinh thần” có thể chống lại Covid-19?

Trong lúc ngành y tế Việt Nam cập nhật phác đồ điều trị COVID-19 hàng ngày và thế giới chạy đua để sớm sản xuất được vắc-xin, thì không ít người nhận ra rằng, nhân loại cũng cần thêm những "liều thuốc tinh thần" để chống chọi với đại dịch.
Những ngày này, nhà sáng lập Beta Corp, đơn vị sở hữu chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cineplex, Bùi Quang Minh (Minh Beta) lại lần nữa được công chúng nhắc đến với vai trò nhạc sĩ, ca sĩ. Sau khi ca khúc "Ghen Cô Vy" khuấy động truyền thông thế giới thì công chúng lại có dịp hát vang ca khúc "Việt Nam Ơi! Đánh bay COVID!" của anh. Ca khúc này chính là phiên bản được viết lại lời của bài hát quốc dân "Việt Nam Ơi!" do chính Minh Beta sáng tác và trình bày.
Dùng âm nhạc để góp phần chống dịch
"Đối với tôi, kinh doanh và nghệ thuật dù là hai lĩnh vực tưởng như đối lập nhưng lại luôn không ngừng bổ trợ cho nhau trong hành trình sự nghiệp", Minh Beta nói rằng, đôi khi anh dùng tâm hồn nghệ thuật để nghĩ về chuyện kinh doanh cho bớt căng thẳng. Thời gian qua, khi 13 cụm rạp Beta Cineplex, trải dài trên 8 tỉnh thành, phải tạm ngưng hoạt động vì COVID-19, chính nghệ thuật đã tiếp sức cho bản thân anh và đội ngũ của mình.
"Ngay đúng thời điểm dịch COVID-19 đang rất căng thẳng và cam go, tôi vừa cố gắng bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bệnh dịch, vừa động viên anh chị em trong công ty vững tâm, đoàn kết chung tay cùng cộng đồng chống dịch. Tôi bất chợt nảy ra ý tưởng cải biên lời bài hát "Việt Nam ơi!", cũng thật may mắn lúc ấy nhận được rất nhiều lời động viên và ủng hộ từ bạn bè càng là động lực thôi thúc tôi hành động", anh kể về cảm hứng của ca khúc "Việt Nam Ơi! Đánh bay COVID!".
Không chỉ mang lại liều thuốc tinh thần cho Beta Corp, ca khúc này, vốn mang sẵn âm điệu hào khí mạnh mẽ từ phiên bản gốc, đã lan tỏa giá trị lạc quan tích cực đến cộng đồng rộng lớn hơn. Trong khi "Ghen Cô Vy" xuất hiện vào thời điểm cộng đồng cần được tuyên truyền về việc rửa tay thì "Việt Nam ơi! Đánh bay COVID!", ngoài nhắc nhở mọi người bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh và tin giả trôi nổi trên mạng xã hội, lời bài hát còn nhấn mạnh vào tinh thần dân tộc mạnh mẽ đang âm ỉ cháy trong tim mỗi người Việt Nam. Nó như một chương tiếp theo của hành trình "chống giặc COVID-19" trên mặt trận tư tưởng, giúp kêu gọi sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau.
Minh Beta kể rằng, anh làm nhạc với bản năng của một người nghệ sĩ đơn thuần, xuất phát từ cái tâm muốn đóng góp cho cộng đồng bằng chính những xúc cảm từ tận đáy lòng. Khi ý tưởng tới, anh liền bắt tay vào làm, chẳng nghĩ nhiều hay lo lắng gì cả. Âm nhạc đối với anh là chuyện gắn kết những trái tim. Và cũng kỳ diệu, âm nhạc cũng là một liều thuốc bổ về tinh thần cho chính nhân viên anh, những người dễ cảm thấy chông chênh lúc này.
"Âm nhạc luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống mỗi chúng ta. Đặc biệt, trong những lúc đất nước khó khăn, cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội, những bản nhạc hào hùng vang lên sẽ thôi thúc mỗi người dân, lay động triệu trái tim đoàn kết, đồng lòng, ý chí không lùi bước trước mọi khó khăn, gian nguy. Chúng ta đang đối mặt với đại dịch bệnh COVID-19, vì vậy, ca khúc "Việt Nam Ơi! Đánh bay COVID!" là một trong những bài hát mang tính cổ động rất cần thiết kêu gọi toàn dân hãy sát cánh cùng nhau, cùng ngành y tế ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch này", ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua - Khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ.
Những "liều thuốc" tinh thần chống dịch trên toàn thế giới
Không chỉ có Minh Beta sáng tác nhạc để động viên nhân viên, nhiều doanh nghiệp trên thế giới cũng bắt đầu quan tâm đến việc chống dịch ở mặt trận tinh thần, bên cạnh những biện pháp về dịch tễ. Nước Mỹ, một trong những điểm nóng của đại dịch trên thế giới cũng không thiếu những giải pháp mà các doanh nghiệp Việt có thể tham khảo.
Bước sang tuần thứ sáu làm việc tại nhà, Handshake, một công ty nhân sự quyết định tổ chức "Talent Show" trực tuyến cho nhân viên vào thứ sáu hàng tuần, xem nó như một hoạt động "teambuilding" qua mạng khi họ tạm thời không thể gặp nhau. Không chỉ thế, công ty này còn có một show khác mang tên "Ask Me Anything".
Ben Christensen, nhà đồng sáng lập kiêm Phó chủ tịch Handshake cho biết, ngay từ ngày đầu cho nhân viên làm việc tại nhà, ban lãnh đạo đã nghĩ đến việc phải tạo năng lượng cho đội ngũ. "Chúng tôi phải liên tục tìm kiếm điều gì đó mới mẻ tiếp theo để thêm vào khi những cách cũ không còn hiệu quả", ông nói.
North 6 Agency, một công ty quan hệ công chúng có trụ sở tại New York, đã bắt đầu cho nhân viên làm việc tại nhà vào ngày 13/3. Ý tưởng gắn kết tinh thần làm việc từ xa của công ty này là tổ chức các buổi ăn trưa trực tuyến cùng nhau. Thay vì các nhân viên cùng ăn trưa với nhau như ngày thường, thì trong mùa dịch, phần ăn trưa được giao tận nhà từng người và họ sẽ bật video call để trò chuyện với nhau.
Bà Nina Velasquez, phó chủ tịch phụ trách phát triển tài năng cho biết, ủy ban văn hóa của công ty đang tổ chức thêm các hoạt động khác, như "câu lạc bộ sách ảo" hay chọn lọc chia sẻ các danh sách nhạc có thể tạo tinh thần làm việc cho nhân viên. "Chúng tôi làm mọi thứ có thể để đảm bảo các tương tác giữa mọi người không đổi", bà Velasquez nói.
Hay như Yotpo, một nhà cung cấp các công cụ thương mại điện tử tại New York, đang thử nghiệm tổ chức hướng dẫn tập yoga, giờ kể chuyện trẻ em dành cho nhân viên có con nhỏ và mở một nhóm chat nội bộ chuyên chia sẻ ảnh thú cưng để mọi người giải trí.
Công ty này còn tổ chức các "happy hours" với những buổi tiệc qua video, vừa ăn uống vừa ca hát và thể hiện tài năng. Yotpo đang lấy ý kiến phản hồi từ các nhân viên về những chương trình này. Đến nay, họ phát hiện ra rằng, nhân viên của mình đã biết quan tâm tìm hiểu hơn về vấn đề dinh dưỡng.
Tương tự, một công ty quảng cáo có tên Sid Lee ngoài việc sử dụng phần mềm hội nghị truyền hình để tổ chức các lớp yoga và tập thể dục, thì đã bắt đầu lập một tài khoản Instagram để chia sẻ các mẹo và tài liệu về cách thiết lập để làm việc tại nhà hiệu quả.
Tài khoản Instagram này cũng đóng vai trò là nơi công ty có thể thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo khác nhau. Một số mẹo làm việc tại nhà chia sẻ trên tài khoản này thậm chí đã được chia sẻ công khai cho công chúng. Ban lãnh đạo công ty còn nghĩ đến việc đúc kết các ý tưởng tốt để cung cấp cho khách hàng và tư vấn họ tùy chỉnh triển khai theo nhu cầu cụ thể.
Tiến sỹ Bob Nelson, một chuyên gia hàng đầu thế giới về tạo động lực, hiệu suất trong công việc từng nhấn mạnh, "Động lực của nhân viên chính là kết quả trực tiếp của tổng số lần tương tác với người quản lý". Do đó, việc các CEO tích cực tạo ra các tương tác tinh thần hiệu quả bằng nhiều cách khác nhau trong mùa dịch cũng quan trọng không kém lời hứa không sa thải hay cắt giảm thu nhập của họ.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- “Đầu lạnh - tim nóng” giữa khủng hoảng Covid-19
- Công nghệ phát hiện trường hợp nghi nhiễm Coronavirus ngay lập tức
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Nine motivational books for the after-Covid-19 period that you can't miss
- Wren Evans: tài năng 19 tuổi của âm nhạc đương đại Việt
- “Voi biển” Trương Thế Vinh sẵn sàng trở lại với “đường đua” âm nhạc
- Minh Beta viết lời mới cho ca khúc hit “Việt Nam ơi!”