Nhà sáng lập của DesignBold, Hùng Đinh, khuyên doanh nghiệp tận dụng Covid để chuyển đổi số nhanh chóng

"Covid-19 đã, đang và sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc phải làm việc từ xa, do đó hãy coi như đây là một cơ hội để tối ưu hóa hệ thống vận hành, nhưng cần chiến lược dài hạn và bền vững, thay vì chỉ tập trung dùng công nghệ như giải pháp tạm thời để vượt qua thời gian "giãn cách xã hội" thật nhanh". Nhà sáng lập của DesignBold cho rằng trước khó khăn từ Covid-19, điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải tiến hành chuyển đổi số thật nhanh.
Trong những ngày này, toàn thế giới và cả Việt Nam buộc phải ở nhà giãn cách xã hội và cách ly nhằm ngăn chặn sự lan rộng của Covid-19, các giải pháp làm việc từ xa đang trở nên thiết yếu hơn bao giờ hết. Cũng chính vì điều này, các ứng dụng như Zoom, Cisco Webex, Skype… đang trở thành công cụ quan trọng cho các cá nhân, tổ chức, trường học hay thậm chí là Chính phủ dùng làm phương tiện học tập và làm việc trực tuyến.
Thực tế, Covid-19 đã khiến các phần mềm vốn ít được biết đến đã gia tăng lượng người dùng đột biến. Rõ rệt nhất là ứng dụng Zoom từng có không quá 10 triệu người dùng hoạt động mỗi ngày trong tháng 12/2019, nay đã tăng lên 300 triệu. Houseparty cũng có hơn 50 triệu người đăng ký mới trong một tháng.
Tiềm lực lớn như vậy, không ít "gã khổng lồ" công nghệ đã bắt đầu phát triển công cụ riêng. Mới đây, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đã cho ra phần mềm hội nghị trực tuyến Messenger Room, có thể kết nối tối đa 50 người cùng lúc, sử dụng được trên cả máy tính, điện thoại và thậm chí không cần tài khoản.
Theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu lớn, sau khi Covid-19 qua đi, họp trực tuyến sẽ là một trong những lĩnh vực hứa hẹn sẽ phát triển mạnh, thậm chí trở thành yếu tố chủ đạo trong doanh nghiệp ở tương lai nhờ vào sự tiện lợi, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Đến năm 2025, họp trực tuyến được dự đoán sẽ tăng trưởng 250 – 300% so với hiện nay.
Thực tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang còn quá phụ thuộc vào các giải pháp đến từ nước ngoài. Về vấn đề này, ông Hùng Đinh, nhà sáng lập DesignBold - nền tảng thiết kế giúp người sử dụng từ không chuyên đến chuyên nghiệp có thể tự thiết kế các loại ấn phẩm với thao tác đơn giản – cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm lực về CNTT và có thể dùng các giải pháp trong nước.
"Việt Nam có rất nhiều các công cụ hỗ trợ tốt cho làm việc từ xa, cụ thể, để tổ chức các cuộc họp video có thể sử dụng Zalo; quản trị doanh nghiệp có các giải pháp đến từ Base, 1Office; hay thiết kế có thể sử dụng các giải pháp của DesignBold, Haravan, Ladipage…", ông Hùng dẫn chứng.
Theo nhà sáng lập này, cách Việt Nam ứng phó với đại dịch Covid-19 đã thể hiện tiềm năng của hệ thống CNTT ở Việt Nam. Ông Hùng đánh giá, các doanh nghiệp với nền tảng công nghệ tốt đã ngay lập tức cho nhân viên chuyển dịch làm việc từ xa và một số đã thích nghi nhanh chóng.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể ứng phó ngay lập tức. "Khi quan sát điều này trong nhóm Vietnam Remote Workforce, tôi thấy rằng hệ thống CNTT của Việt Nam có những điểm tốt nhất định, nhưng chưa phân hóa đồng đều, có doanh nghiệp thì vượt bậc, có doanh nghiệp thì đang thiếu rất nhiều kể cả về "kỹ năng số" hay "văn hóa số".", ông Hùng nhận xét.
Nhà sáng lập DesignBold đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để triển khai mô hình làm việc từ xa. Dù vậy, ngành công nghệ cần có sự cộng tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp để phát triển hệ sinh thái chung. Chẳng hạn, hiện nay có trang web remote.vn tập hợp các gói cứu trợ công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống CNTT. "Tuy đây chỉ là giải pháp ngắn hạn mùa dịch, "lá lành đùm lá rách", nhưng sự ủng hộ này cho thấy tương lai hệ thống CNTT Việt sẽ phát triển hơn nữa, không phải theo hướng phân hóa, mà là hỗ trợ nhau cùng phát triển", ông Hùng nói.
Chuyển đổi số cần nhanh nhưng bền vững
Nhà sáng lập của DesignBold cho rằng trước khó khăn từ Covid-19, điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải tiến hành chuyển đổi số thật nhanh nhưng phải thận trọng trước những rủi ro.
"Thay vì chỉ nghĩ đến công cụ, để doanh nghiệp vận hành suôn sẻ, điều quan trọng nhất chính là phải chuyển đổi tư duy của lãnh đạo, nhà quản lý để từ đó chuyển đổi phương pháp vận hành cho các bộ phận", ông Hùng nói, "Covid-19 đã, đang và sẽ đẩy các doanh nghiệp vào tình thế bắt buộc phải làm việc từ xa, do đó hãy coi như đây là một cơ hội để tối ưu hóa hệ thống vận hành, nhưng cần chiến lược dài hạn và bền vững, thay vì chỉ tập trung dùng công nghệ như giải pháp tạm thời để vượt qua thời gian "giãn cách xã hội" thật nhanh".
Và quá trình chuyển đổi số cần sự cộng tác, hỗ trợ, và chia sẻ tài nguyên, kiến thức của các doanh nghiệp cho nhau để cùng nhau vượt qua những thách thức trước mắt, bởi điều này sẽ giúp phát triển nền tảng dẫn đến chuyển đổi số ở Việt Nam trở nên mạnh mẽ.
Theo ông, trước tình huống bắt buộc phải chuyển đổi số bắt buộc như hiện nay, sẽ có không ít doanh nghiệp gánh chịu những rủi ro lớn về tính bảo mật và an toàn trong việc sử dụng công cụ công nghệ trong làm việc từ xa nếu không có sự ứng phó kịp thời.
Đối với các doanh nghiệp đang phụ thuộc hay sử dụng các giải pháp từ bên thứ ba, thậm chí thông qua ứng dụng mạng xã hội như Facebook, WhatsApp, Zoom để làm việc, ông Hùng cho rằng đây là môi trường không hề an toàn. Nhà sáng lập này lý giải, trong tình hình dịch Covid-19, khi mọi sinh hoạt của cá nhân đều chuyển dịch từ offline sang online, tần suất sử dụng các công cụ online để liên lạc, giao tiếp sẽ tăng lên nhanh chóng. Đây là mảnh đất màu mỡ của các tin tặc hoặc các công ty lợi dụng bán dữ liệu người dùng khai thác.
Và kể cả đối với các công ty không dùng nền tảng thứ ba, nhà sáng lập của DesignBold nhấn mạnh đây là cơ hội để các doanh nghiệp cũng cần chú ý đến vấn đề bảo mật, không nên chủ quan. Bởi bảo mật doanh nghiệp liên quan chặt chẽ đến an toàn thông tin của từng nhân viên.
"Bảo mật có thể là vấn đề đáng quan tâm và thậm chí gặp nhiều thách thức. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, thì đây là một cơ hội để các công ty tăng cường các biện pháp bảo mật khi có vấn đề gì có thể ngay lập tức được cảnh báo và xử lý", ông Hùng cho rằng đây là một điều mà trước khi đại dịch xảy ra, sẽ có một vài doanh nghiệp lãng quên, bởi hầu hết các giao tiếp của chúng ta đều tiến hành offline, trong phạm vi tòa nhà, văn phòng.
Nhà sáng lập này cho rằng vấn đề bảo mật không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp mà mỗi nhân viên cũng cần tự xem việc bảo mật cho công ty như bảo vệ sự an toàn của chính mình. Nhất là trong thời gian Covid-19, các doanh nghiệp đều đang rất nhạy cảm với bất kỳ một sự tấn công nào, một rò rỉ nhỏ về bảo mật thôi cũng có thể khiến doanh nghiệp tổn thất hàng trăm tỷ đồng.
"Thực tế là khi làm việc từ xa, doanh nghiệp đã tin tưởng và đặt an toàn thông tin vào tay các nhân viên của mình. Thế nên, để bảo mật tốt, thì trước tiên doanh nghiệp cần đảm bảo mỗi nhân viên có tư duy cẩn trọng hơn trong việc bảo đảm an toàn thông tin cá nhân, và đồng thời truyền đi trách nhiệm bảo mật cho toàn doanh nghiệp", ông Hùng khuyến cáo.
Và theo nhà sáng lập này, khi mỗi cá nhân đều hiểu rõ mối nguy cơ đang xảy đến, thì doanh nghiệp nên có những hướng dẫn rõ ràng cho nhân viên làm thế nào chuyển dịch sinh hoạt offline sang online một cách an toàn. Ví dụ: với Facebook, email thì nên cài hai lớp khóa bảo mật, khi làm việc ở nhà, hay ở ngoài thì tránh những khu vực có camera, sử dụng mạng VPN, cài những phần mềm chống mã độc,...
Còn ở cấp độ doanh nghiệp, cần đảm bảo các quy trình bảo mật đưa ra, thật dễ hiểu và rõ ràng, khuyến khích sự giao tiếp để đảm bảo mỗi nhân viên đều có thể tham gia và phát triển quá trình này. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phát triển các nền tảng làm việc an toàn cho nhân viên, ví dụ như tất cả các thiết bị người dùng cuối đều cần được cài đặt các biện pháp bảo mật...
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Ở nhà có thể tham dự hội nghị trực tuyến cùng hàng trăm người khác
- Thêm một ứng dụng đa nền tảng được Facebook, PayPal rót vốn
- Tạo cộng đồng lớn trên Facebook để chia sẻ, không nhằm mục tiêu kiếm tiền
- Facebook, Zoom đều dính lỗi phần mềm
- “Sức khỏe” doanh nghiệp Việt đang dần hồi phục; Kinh tế toàn cầu sắp thoát đáy...
- Nhà sáng lập Seed Planter: Làm doanh nghiệp tạo tác động xã hội “khó mà dễ”
- “Cơn sốt” malware, virus hay ransomware… cảnh báo mối nguy cho doanh nghiệp về bảo mật
- Grow-hack cho startup Việt
- Startup Việt: “Chơi lớn hay ngừng cuộc chơi?”
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Top 10 cuộc thi NTT Startup Challenge 2020
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Bill Reichert cho rằng để gọi vốn đầu tư thành công chỉ nên trình bày dự án trong 20 giây
- Chuyên gia Đoàn Kiều My: Startup DeepTech Việt Nam chưa thể tự tiếp thị về mình với nhà đầu tư
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- 70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc
- Chuyển đổi số hay là “chết”?
- Chuyển đổi số - Không chỉ là câu chuyện của công nghệ
- Công nghệ phát hiện trường hợp nghi nhiễm Coronavirus ngay lập tức
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Nine motivational books for the after-Covid-19 period that you can't miss
- #WorkFromHome vĩnh viễn nhờ Covid-19?
- 4 lời khuyên giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng #WorkFromHome hậu Covid từ chuyên gia của ELSA Speak, Ruby Nguyễn