Stayhome Challenge, Vũ điệu Ghen Cô Vy, Change for future… đều là những trào lưu được “sinh ra” trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và gần đây tiếp tục các trào lưu nhận được sự hưởng ứng lớn: #YouCanChallenge, #ABetterYou… Xuất phát điểm từ mạng xã hội, chúng nhanh chóng lan tỏa và đều đặn gửi đi những thông điệp tích cực trong cuộc sống.
Có thể nói, năm 2020 là một “nốt trầm” cho kinh tế thế giới nhưng lại là “điểm sáng” cho sự phát triển của nền tảng internet, đặc biệt là mạng xã hội trực tuyến. Giãn cách xã hội khiến cho tình trạng làm việc, học tập, giải trí của mọi người dân đều chuyển sang “chế độ” online. Cũng vì thế, nhiều trào lưu mùa dịch như: #Stayhome, #QuarantineandChill, điệu nhảy Ghen Cô Vy… và gần đây với: #YouCanChallenge, #ABetterYou… dễ dàng trở thành tâm điểm chú ý hơn bao giờ hết khi số lượng người dùng ngày càng tăng nhanh.
Thế nhưng, những xu hướng này không chỉ đơn thuần dừng lại như một “làn sóng của mạng xã hội” mà còn mang đến nhiều giá trị thực tế hơn. Chúng trở thành “đặc sản” tinh thần cho cộng đồng, nhất là trong những ngày chống dịch. Hơn thế nữa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số khiến chúng ta phải công nhận rằng những trào lưu này hoàn toàn có đủ sức mạnh để tác động đến nhận thức lẫn hành động tích cực của công chúng.
Sự lan truyền: Nhiều que diêm làm nên ngọn đuốc lớn
Theo báo cáo của Statista, tính tới tháng 7 năm 2020, toàn thế giới có hơn 3 tỷ người sử dụng các công cụ Social Media, trong đó Facebook xếp hạng nhất với 2.7 tỷ tài khoản, sau đó là Youtube (2 tỷ), WhatsApp (2 tỷ), Reddit, Tiktok, Instagram, Twitter… Hơn nữa, thời lượng sử dụng mạng xã hội của công chúng vẫn tăng đều và chưa có dấu hiệu giảm sút.
Cụ thể, ngay khi Stayhome Challenge được phát động, cụm từ “We stay at work for you, Please stay at home for us” (Tạm dịch: Chúng tôi đi làm vì các bạn nên các bạn hãy ở nhà vì chúng ta) cùng hashtag #Stayhome lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội. Trào lưu này được ra đời với mục đích ủng hộ việc chính phủ kêu gọi người dân hạn chế ra đường để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Nhiều người đã chia sẻ hình ảnh về những bác sĩ, quân nhân, bệnh nhân… đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh nguy hiểm Covid-19. Hàng loạt các nghệ sĩ nổi tiếng như Justin Bieber, Elle Fanning, David Beckham Miley Cyrus, Selena Gomez… cũng nhanh chóng đăng tải hình ảnh lạc quan ở nhà cùng nội dung ủng hộ hạn chế ra ngoài. Do đó, ngay lập tức, trào lưu này lan tỏa và phủ sóng nhiều tháng liền trên các trang mạng xã hội Facebook, Tiktok, Twitter, Instagram…
Một làn sóng khác xuất hiện trong mùa dịch bệnh có thể nhắc đến chính là trào lưu nhảy Ghen Cô Vy bắt nguồn từ Việt Nam. Lời bài hát này xoay quanh câu chuyện về virus Corona và được Quang Đăng biên đạo bằng 6 động tác rửa tay theo khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới và Bộ Y Tế Việt Nam. Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải, vũ điệu dễ nhớ cùng giai điệu bắt tai đã khiến cho nhiều nghệ sĩ Việt lập tức hưởng ứng cách thức lan tỏa thông điệp và giáo dục bằng âm nhạc này.
Trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver trên kênh HBO Mỹ ngày 02/03/2020, Ghen Cô Vy đã được đề cập đến khi nói về Corona. MC John Oliver nổi tiếng với 16 giải Emmys đã bày tỏ sự phấn khích với ca khúc này: “Việt Nam, với bài hát này, đã khuyến khích mọi người rửa tay đúng cách để phòng tránh lây nhiễm Covid-19”. Hơn nữa, anh còn thuần thục bắt chước theo vũ điệu rửa tay ngay trên sóng truyền hình.
Ngay sau đó, Ghen Cô Vy và vũ điệu rửa tay nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới, từ Hội Chữ Thập Đỏ đến Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ… Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cũng chia sẻ trên trang Facebook: “Chúng tôi thực sự rất là yêu vũ điệu rửa tay từ một vũ công người Việt Nam – Quang Đăng. Rửa tay sạch với nước và xà phòng là một trong những bước đầu tiên giúp bảo vệ bạn khỏi virus corona”.
Trào lưu ảo nhưng ý nghĩa thật
“Thành công của một phong trào xã hội cần có đủ các yếu tố: Độ phủ sóng truyền thông, hợp tác toàn diện, nguồn kinh phí dồi dào và công tác quản lý chặt chẽ. Trong đó, Social Media đóng vai trò đảm bảo các thông điệp truyền tải tới công chúng được mạch lạc và xuyên suốt, tạo ra sức ảnh hưởng tới các vấn đề về kinh tế – chính trị ở những phương diện cao hơn”. – Kết luận từ Hội thảo “The Asian Conference on the Social Sciences” (Khoa học Mạng xã hội Châu Á), tổ chức tại Nhật Bản.
Có thể nói, giá trị truyền tải thông điệp và giáo dục của mạng xã hội đang ngày càng tăng lên nhanh chóng. Những trào lưu bắt nguồn từ xã hội ảo nhưng vẫn không ngừng tác động đến cuộc sống thật của tất cả chúng ta. Khi các phong trào ý nghĩa được lan tỏa, nhiều người sẽ có ý thức và nhìn nhận vấn đề về dịch bệnh theo chiều hướng tích cực hơn.
Việc lan tỏa thử thách #Stayhome hay #QuarantineandChill (Giãn cách và tận hưởng) cũng chính là ví dụ điển hình cho sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến hành vi người dùng. Khi chia sẻ thông điệp, mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của giãn cách xã hội đối với công tác phòng chống dịch. Từ đó, thái độ nhìn nhận vấn đề cũng trở nên dễ chịu, tích cực hơn. Nhiều người bắt đầu hợp tác với chính phủ và “chọn cách ở nhà vui vẻ”.
Hơn thế nữa, việc phát động các phong trào thay đổi bản thân hậu Covid để trở lại với trạng thái cuộc sống bình thường mới một cách đầy năng lượng như trào lưu #YouCanChallenge hay #AbetterYou mới đây cũng đã góp phần thay đổi lớn đến thói quen của cộng đồng. Đây được xem là thử thách “trong cái khó ló cái khôn”, bởi lẽ sau đại dịch, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng khiến mọi người bị rơi vào những tình huống tiêu cực hoặc bế tắc, vậy thì tại sao không thử thách bản thân làm điều đó mới mẻ?
Với thử thách #YouCanChallenge hay #ABetterYou này, mọi người có thể thách thức bản thân tập luyện thể thao tại nhà, học một điều mới mẻ hay thậm chí là đọc 1 quyển sách. Những hành động tưởng chừng như nhỏ bé này lại góp phần cải thiện cuộc sống tinh thần lẫn thể chất của mỗi người. Tuy chúng chỉ bắt đầu với mục đích theo đuổi phong trào, nhưng việc thực hiện lâu dài sẽ dẫn đến hình thành thói quen tốt và tâm trạng tươi vui cho người tập luyện. Có thể nói, mạng xã hội ảo nhưng vẫn có thể tạo ra được hành động ý nghĩa thật trong đời thường.
Tuy nhiên, sự lớn mạnh của mạng xã hội đồng nghĩa với việc sức ảnh hưởng của mỗi cá nhân người dùng trên nền tảng số ngày càng tăng. Do đó, việc phát động, lan tỏa một trào lưu sẽ càng trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn bao giờ hết. Có thể trong tương lai, nền tảng mạng xã hội trực tuyến sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều phong trào, xu hướng mới và trở thành công cụ định hình tri thức của loài người.
Bên cạnh đó, việc xuất hiện những trào lưu vô bổ như: Thử thách Jonathan Galindo, Thử thách Cá voi xanh… là điều không thể tránh khỏi. Chúng không chỉ gây ám ảnh tâm lý cho người tham gia mà còn tổn hại đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của họ. Những điều này càng nhắc nhở chúng ta phải luôn thật tỉnh táo và cẩn trọng trong việc chọn lọc thông tin phù hợp, chính xác.
Làm thế nào để theo đuổi trào lưu trên mạng xã hội một cách thông minh, có chọn lọc?
Dưới đây là một số lời khuyên giúp người dùng chọn lựa và tiếp nhận trào lưu một cách thông minh, tích cực hơn:
1/ Tìm hiểu thật rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của những trào lưu
Trước khi quyết định ủng hộ một xu hướng mới, chúng ta cần phải thận trọng tìm hiểu thông tin về nguyên nhân, tác động, các số liệu liên quan đến phong trào đó. Tra cứu bằng Google, tham khảo các trang tin chính thống sẽ trở thành trợ thủ đắc lực cho chúng ta trong việc nghiên cứu ngọn ngành sự việc. Khi hiểu rõ vấn đề một cách tường tận, chúng ta có thể tự do bày tỏ quan điểm ủng hộ hay quyết định phớt lờ một trào lưu không phù hợp.
2/ Suy nghĩ kỹ trước khi đăng tải hoặc chia sẻ thông tin
Mạng xã hội là nơi mỗi cá nhân có quyền lên tiếng để thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân mình mà không chịu sự kiểm duyệt. Tuy nhiên, những thông tin mỗi cá nhân đăng tải đều trực tiếp tác động đến suy nghĩ, nhận định của mọi người trong cộng đồng bạn bè. Do đó, chúng ta cần có trách nhiệm với những thông tin mà bản thân đang chia sẻ.
3/ Cẩn thận với các tin tức giật gân, không chính thống
Hiện nay, mạng xã hội tồn tại nhiều trang tin tức, group cộng đồng thường xuyên chia sẻ những tin tức giật gân, gây tò mò cho người đọc. Tuy nhiên, phần lớn các tin tức này chỉ được chia sẻ với hình thức “truyền miệng” mà không hề có sự xác nhận đúng, sai. Vì thế, người đọc cần “tỉnh táo” để chọn lọc thông tin hoặc tham khảo các trang tin tức chính thống. Mặt khác, khi gặp những bài viết bịa đặt, xuyên tạc, bôi bác cá nhân hay tổ chức… người dùng có thể sử dụng tính năng “báo cáo” để nhà quản lý đánh giá thông tin.
4/ Tránh các bài viết mang tính “bẻ lái” dư luận
Thực trạng cho thấy ngày càng có nhiều cá nhân/tổ chức chọn lựa mạng xã hội để bày tỏ quan điểm gay gắt hoặc chỉ trích người khác. Việc họ đưa ra những thông tin và ý kiến một chiều sẽ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận của người đọc. Do đó, khi tham khảo một bài viết mang tính cảm xúc, nhìn nhận cá nhân, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng tính đúng sai và hợp lý của câu chuyện trước khi lên tiếng ủng hộ hoặc phản bác.
Công thức thành công là gì nếu thiếu đi giá trị của tình yêu thương. Cùng #YeuthuongcuocsongwithTHEFACE lan tỏa các câu chuyện truyền cảm hứng đáng để chúng ta chiêm nghiệm mỗi ngày.
Mời bạn đón đọc kỳ 3: “Thử thách văn minh trực tuyến” từ góc nhìn của ban biên tập TheFace Magazine Vietnam.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/suc-manh-lan-truyen-tren-mang-xa-hoi-nhieu-que-diem-lam-nen-ngon-duoc-lon-6573.html