“Những năm chuyển dịch tuổi 20 cho tôi những trải nghiệm khác nhau về điều gì là quan trọng với bản thân. Nếu một người tự nhận thức và xác định rõ ràng về bản thân thì sẽ dễ thích nghi với mọi thay đổi”, người sáng lập One Life Connection chia sẻ.
‘Vị khách’ khủng hoảng tuổi 30
Là một giảng viên đào tạo về phương thức làm chủ bản thân, khó ai có thể tin rằng Lương Ngọc Tiên đã từng mất một thời gian dài mới “đuổi” được vị khách không mời – khủng hoảng tuổi 30.
Năm 2010, khi trở về Việt Nam sau thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, Tiên nhận ra mình lại về vào đúng thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam vừa vực dậy sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Những dư chấn từ sau đợt khủng hoảng này khiến các công ty trở nên cẩn trọng. HR muốn tuyển dụng những nhân sự có tính an toàn và kinh nghiệm sẵn có hơn những người có tính sáng tạo và thích cải tiến. Vậy nên sau 10 năm làm việc và tích luỹ kinh nghiệm, bằng cấp trong nhiều lĩnh vực đa dạng, từ quảng cáo, tiếp thị, nghiên cứu thị trường, VP đại diện đến phát triển sản phẩm… từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi Hà Lan, Tiên đối diện với việc mình không phù hợp với môi trường thực tế tại Việt Nam. Đó là một cú sốc lớn với cô gái đã quen với những bước đi thuận lợi trong sự nghiệp, vì mỗi lần chọn đổi việc và thay đổi môi trường trước đó cô đều nhận được mức lương và ưu đãi cao gấp đôi, gấp ba lần.
“Nhìn lại thì tôi đã không có cái nhìn thực tế trước khi quay về Việt Nam. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ không được trọng dụng hay tìm được công việc như ý với những khả năng mình có…” Tiên chia sẻ về “cú sốc” thực tế này.
Thật ra không phải Tiên không xin được việc trong giai đoạn đó. Trong hai tháng đầu tiên cô đã có được những đề nghị làm việc rất nhanh chóng. Các nhà tuyển dụng đều ấn tượng với tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ Hà Lan và kinh nghiệm làm việc với các công ty nước ngoài nhiều năm của cô. Tuy vậy, họ cũng không thể trao quyền ngay cho một người trẻ vừa về nước và chưa có kinh nghiệm trực tiếp. Có công ty đề nghị cô bắt đầu ở vị trí trợ lý quản lý để học hỏi lại kinh nghiệm rồi từ từ đi lên. Cô đã từ chối đề nghị này.
Cô bắt đầu hành trình làm lại từ đầu, qua nhiều công việc ở các tổ chức khác nhau, từ start up đến doanh nghiệp tầm trung và cả tập đoàn lớn. Nhưng ở đâu, cô cũng thấy bản thân không thể phát huy toàn diện. Với cô, công việc không phải là nơi bán sức lao động, trí tuệ hay hơn thua nhau để kiếm sống mà là môi trường để con người phát triển bản thân và tạo ra những giá trị tích cực cho cuộc sống của người khác. Cô nhận ra mình có đam mê với việc phát triển những sản phẩm, dịch vụ có tính bền vững và gắn kết với những tổ chức có văn hoá và lãnh đạo có tầm nhìn, dựa trên các giá trị nền tảng như liêm chính và công bằng.
Làm sao để tìm đến những tổ chức và những người lãnh đạo như vậy trong thời buổi mọi người cạnh tranh nhau để tồn tại? Cô thực sự cảm thấy những suy nghĩ này ngày càng khiến mình trở nên lạc lỏng giữa những người bạn cùng trang lứa. Khác với cô, họ chọn cuộc sống ổn định từ đầu, đi theo mẫu số chung của xã hội. Ngay khi còn đi học, nhiều người đã biết chính xác họ sẽ làm công việc gì, sẽ kết hôn với ai, thậm chí sẽ mua ngôi nhà tương lai ở đâu. Họ đã vẽ ra tương lai của mình và cứ thế đi theo con đường đó. Còn cô vì sao vẫn đi tìm kiếm một lẽ sống và con đường khác biệt? Liệu rằng điều cô tìm kiếm có tồn tại?
Trong giai đoạn gần 5 năm loay hoay và nhiều trăn trở đó, cô cũng tự nhìn lại những ưu khuyết điểm của mình rõ ràng hơn. Cô biết điều mình cần là sức mạnh và niềm tin vào chính mình. Nhưng cô cũng cần thiết lập lại những mục tiêu cụ thể cho cuộc đời mình. Giờ đã đi qua tuổi 30, một người cần có tầm nhìn và sứ mệnh cuộc đời chứ không phải chỉ là công việc cho mình. Cô chọn dấn thân vào lĩnh vực huấn luyện và đào tạo, đúc rút từ những bài học thực tế qua kinh nghiệm với nhiều hình thái tổ chức và lãnh đạo trong và ngoài nước để đem lại những kiến thức và kỹ năng cho cá nhân, đội ngũ và doanh nghiệp. Vừa học hỏi vừa làm việc, cô từng bước đi ra khỏi vùng khủng hoảng và đi vào vùng phát huy sức mạnh nội lực và thay đổi cuộc đời mình.
Hành trình chuyển hoá bản thân
Ở ngưỡng tuổi 35, Lương Ngọc Tiên lại dấn thân vào một hành trình mới. Nhưng lần này, cô gọi tên được những điều gì là quan trọng với mình. Đó là việc xây dựng cộng đồng với những giá trị bền vững tại Việt Nam, là việc trở thành một người sống và làm việc bằng tri thức và đam mê, sáng tạo và cải tiến trong tư duy và chuyển hoá môi trường làm việc. Cô tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, làm nhiều việc liên quan đến phát triển lãnh đạo trẻ và tác động xã hội. Cô tập trung xây dựng những chương trình đầu tiên về cách chuyển hoá tâm thức cho cá nhân và tổ chức.
Đến thời điểm này cô đã có trong tay khá nhiều chứng chỉ liên quan quốc tế đến công việc chuyên môn về con người và tổ chức. Tuy nhiên, cột mốc quan trọng nhất cho sự khai phóng tư duy là khi cô tham gia khoá học “Khám phá Tổng hạnh phúc quốc gia trong Doanh nghiệp” ở Bhutan. Thời điểm năm 2015, vấn đề bảo vệ môi trường hay phát triển bền vững vẫn chưa được phổ biến ở Việt Nam, nói gì đến khái niệm hạnh phúc cho tổ chức hay quốc gia. Biết vậy nhưng Tiên vẫn thôi thúc muốn tìm hiểu về mô hình này và khả năng thành công của nó ở một quốc gia rất nhỏ như Bhutan thế nào. Và cô đã tìm được câu trả lời cho những trăn trở từ trước đến nay của mình trong chuyến đi này.
Trở về Việt Nam sau chuyến đi, cô quyết tâm xây dựng One Life Connection trở thành công ty đào tạo và huấn luyện dựa theo con đường Chuyển hoá tâm thức, phát huy Trí tuệ cảm xúc, và Sức khoẻ toàn diện cho tổ chức. Cô trở thành Giảng viên được chứng nhận bởi Học viện đào tạo Eurasia (Eurasia Learning Institute) về “Hạnh phúc và lòng trắc ẩn dựa trên thực hành Mindfulness” (2016) và bởi Học viện Lãnh đạo Search Inside Yourself (Search Inside Yourself Leadership Institute) về “Trí tuệ cảm xúc dựa trên Khoa học não bộ & thực hành Mindfulness” (2019).
Đến nay, One Life Connection đã đào tạo cho hàng nghìn quản lý cấp trung và lãnh đạo từ các tập đoàn lớn trong và ngoài nước như Unilever, VNG, Suntory PepsiCo, PNJ, INSEE, Dentsu Redder Agency, Muong Thanh Hospitality, Mobifone, Manulife, Abbott, New Toyo, Mainetti, HSBC, Talentnet, Tien Phuoc Real Estate, Tien Phong Bank…
Trong những năm trở lại đây, Lương Ngọc Tiên trở thành một diễn giả truyền cảm hứng tại các diễn đàn của Hội Nữ doanh nhân TP HCM và Hội Doanh nghiệp Trẻ, Diễn đàn Forbes, TEDxTalk… về các chủ đề Phát huy Trí tuệ cảm xúc, Sức mạnh nội lực, Lãnh đạo bản thân và Lãnh đạo thân tâm trí. Cô cũng đạt được mục tiêu phát triển cộng đồng khi trở thành Ủy viên Ban thường vụ Hội Nữ Doanh Nhân TP (HAWEE). Với uy tín và chuyên môn về phát triển con người và tổ chức, cô tham gia xây dựng các chương trình nâng cao năng lực nữ lãnh đạo, xây dựng hình ảnh nữ doanh nhân TP.HCM là những người có sức mạnh nội tâm, có tri thức và có hình ảnh của nữ lãnh đạo thế kỷ 21 cho Việt Nam và khu vực.
5 năm tới hết mình với đam mê
Thế giới đang trải qua một quá trình chuyển mình mạnh mẽ qua đại dịch Covid-19. Nhìn nhận những mất mát từ góc độ bài học và kinh nghiệm, chúng ta có thể trưởng thành và phát triển toàn diện hơn qua giai đoạn này. Theo cô, đây là thời điểm cơ hội cho những người dũng cảm, biết lựa chọn những gì đúng đắn và phù hợp với sự đi lên của nhân loại.
“Trước đây, bạn có thể nhìn mọi thứ dễ dàng và hài lòng chấp nhận, nhưng giờ thì không có gì là ổn định, chắc chắn trừ khi bạn đủ nhạy, đủ giỏi, đủ sáng tạo, và đủ thích nghi trước mọi tình huống!”, chuyên gia trong lĩnh vực thiền ứng dụng (Mindfulness) Lương Ngọc Tiên chia sẻ.
Nhìn tới chặng đường 5 năm đầy thách thức trước mắt, Tiên chọn thái độ lạc quan và làm việc hết mình với đam mê cùng đội ngũ. Cô giữ tư duy của một người khởi nghiệp, chủ động thay đổi chương trình theo nhu cầu người tiếp nhận, đồng thời thay đổi cách làm chương trình theo nền tảng online và thời lượng linh hoạt. Cô không đặt ra chỉ tiêu kinh doanh cụ thể hàng quý nhưng luôn xây dựng các chương trình và hoạt động trải đều từ mảng doanh nghiệp sang cộng đồng hàng năm.
“Tôi nhận ra cách xây dựng mục tiêu của mình là xác định tầm nhìn dài hạn và ứng phó linh hoạt trong ngắn hạn. Tôi chọn thiết kế công việc và cuộc sống quanh những mục tiêu cuộc đời của mình để có thể sống mỗi ngày trọn vẹn với đam mê!”, nữ chuyên gia Mindfulness nói về cách cô ấy cân bằng cuộc sống hiện tại.
Trong tương lai, cô hy vọng mình sẽ trở thành một người kết nối. Cô muốn làm cầu nối đưa tri thức và chuyên gia nước ngoài về Việt Nam, cũng như gắn kết và xây dựng cộng đồng những tri thức Việt Nam cùng giá trị và đam mê cống hiến.
Dưới đây là những bài học mà giảng viên đào tạo Mindfulness Lương Ngọc Tiên tự rút ra từ hành trình cuộc đời của mình:
1. Tích luỹ tài khoản làm giàu giá trị sống của bạn:
Khác với những người sùng bái tư duy kế hoạch, Tiên không viết xuống những mục tiêu để theo dõi mình đạt được chúng hay không. Thay vì vậy mỗi ngày, cô chỉ chọn làm những việc với ý định cụ thể rõ ràng, đúng với những giá trị cốt lõi và lý tưởng của mình. Cứ như vậy, cô thực hiện được những chương trình và đóng góp vào những hoạt động cộng đồng dựa theo những giá trị làm cột mốc.
Khi quyết tâm lựa chọn con đường đúng đắn cho bản thân, cô cũng thay đổi cách nhìn nhận về tích luỹ “tài khoản”. Chúng ta không chỉ có tài khoản tiền bạc mà còn có tài khoản sức khoẻ, tinh thần, cộng đồng, tri thức, phát triển bản thân… Tiên đã nhận ra điều này từ những năm tháng đi lên theo sự chuyển dịch. Từ khi có khủng hoảng Covid, mọi người mới bắt đầu đề cao những tài khoản khác ngoài tiền. Nhiều người cũng nhận ra rằng cứ tài khoản tiền của họ càng cao thì những tài khoản kia càng thấp. Đến lúc này chúng ta cần thay đổi nhận thức để có những lựa chọn khác đi. Có như vậy bạn mới thực sự giàu có hơn mà không phải đánh đổi sức khoẻ, sự bình an hay hạnh phúc của bản thân, gia đình và tác động tiêu cực đến thiên nhiên và môi trường sống quanh mình.
“Nên cuộc đời không phải là bản kế hoạch cố định, bạn cần rất nhiều sự chuẩn bị, sẵn sàng từ bên trong để đi vào cuộc sống với thái độ và năng lực toàn diện. Dù bạn chọn làm gì thì đó cũng nên phản ánh con người thật của bạn, với những giá trị mà bạn xác định sẽ sống một cuộc đời như thế!”, nữ chuyên gia chia sẻ.
2. Tìm kiếm nhưng không vội vã lấp đầy hình ảnh bản thân
Nhớ lại quá trình tìm kiếm bản thân, cô thấy thú vị vì mình đã không có bất kỳ hình mẫu nào để trở thành. Thay vì vậy, cô tự lắp ghép những mảng miếng tạo ra hình ảnh bản thân mình hiện nay. Như câu nói rằng bạn cần để mình lạc lối trước khi tìm thấy bản thân mình (“One needs to be lost in order to find oneself”). Cũng có những giai đoạn hoang mang, vô định nhưng chính chúng lại khiến cho khao khát bên trong cô mạnh mẽ hơn.
“Tiên nghĩ trước năm 30 thì việc chúng ta là ai thường tùy thuộc vào tính cách hay lựa chọn công việc sau khi ra trường. Mà những điều này chưa đủ để quyết định con người của bạn”. Bạn là ai, bạn sẽ cần cho phép mình được thử và sai, rồi hãy đưa ra quyết định. Và sẵn sàng thay đổi quyết định đó nếu nó không thực sự phản ánh nhận thức đi lên của bạn.
3. Dũng cảm đi vào vùng không biết
Vùng không biết là vùng tiềm năng vô hạn của bản thân và cơ hội của những thách thức trước mặt mà chúng ta cần dũng cảm bước vào. Nữ chuyên gia cười khi nói rằng đây là điều cô biết ơn bản thân nhiều nhất cho những năm tháng tuổi trẻ thích khám phá, ưa di chuyển và cho cả giai đoạn khủng hoảng sau đó. Nhờ vậy, cô đã có tuổi thanh xuân đầy màu sắc và trải nghiệm, cũng như những bài học cuộc đời quý giá để có thể chia sẻ với học viên của mình. Mỗi lần bạn nói “Không” với một đề nghị dễ dàng là bạn nói “Có” với ý thức cầu tiến, không ngừng phát triển bản thân của mình. Mỗi lần bạn nói “Có” trước một cơ hội thách thức là bạn nói “Không” với sự trì hoãn, an phận và ngại thay đổi của mình. Bản chất của cuộc sống là không ngừng thay đổi và bản chất của con người là không ngừng tiến hoá. Bạn có thể chọn thái độ sống lo âu, bị động trước những thay đổi hoặc bạn có thể chọn thái độ sống tích cực, chủ động và sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm mới. Sự lựa chọn là của bạn.
Dũng cảm sống khác mình và làm việc với đam mê, dịch chuyển và đi theo những giá trị cốt lõi và mục tiêu bền vững là cách mà nữ chuyên gia, nhà sáng lập và kết nối cộng đồng Lương Ngọc Tiên xây dựng nghề nghiệp và sứ mệnh cuộc đời của mình. Cảm ơn câu chuyện thú vị của cô và chúc cho hành trình lan toả giá trị sống và chuyển hoá tư duy của cô ngày càng thành công hơn!
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/ths-luong-ngoc-tien-toi-biet-on-minh-vi-da-dam-thu-thach-ban-than-6560.html