Tiki và Sendo sẽ sáp nhập dự báo sự bứt phá của thương mại điện tử Việt

Tuần qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến năm 2025 với dự đoán sẽ 50% người Việt mua sắm qua kênh trực tuyến thì 2 sàn Tiki và Sendo rục rịch thông tin sáp nhập.
Tiki và Sendo sẽ sáp nhập
Trang tin về các thương vụ mua bán và sáp nhập ở châu Á - DealStreetAsia dẫn lời nguồn tin riêng khẳng định các cổ đông lớn như JD.com của Tiki hay SoftBank Ventures Asia của Sendo đã chính thức thống nhất cho hai sàn thương mại điện tử này sáp nhập với nhau. Trước đó, vào tháng 2, DealStreetAsia cũng đã đề cập đến việc Tiki và Sendo đã tiến hành đàm phán để sáp nhập. Hiện tại, cả hai đều chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên.
Tiki và Sendo hiện nằm trong top 4 sàn thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam cùng với Shopee và Lazada. Trong quý I/2020, theo dữ liệu của iPrice, lượng truy cập vào Tiki đứng thứ 2 trong 4 sàn, dưới Shopee. Trong khi đó, Sendo xếp vị trí thứ 4.
Tiki là startup thương mại điện tử do ông Trần Ngọc Thái Sơn sáng lập với mục đích ban đầu là bán sách, sau đó mở rộng ra nhiều ngành hàng khác nhau. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang năm khoảng 49,7% sở hữu tại sàn này. Trong khi đó Sendo, ban đầu là một công ty con của tập đoàn FPT. Sau nhiều lần gọi vốn, các nhà đầu tư ngoại hiện nắm giữ khoảng 63,1% tại sàn này. Trong khi thị trường chính của Tiki là các đô thị lớn thì Sendo lại được khách hàng tại đô thị nhỏ và khu vực nông thôn rất ưa chuộng.
Thủ tướng đề nghị hoãn tăng lương
Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, sáng 20/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội cân nhắc chưa tăng lương cơ sở với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu từ 1/7/2020 để "cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách".
Trước đó, theo nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 8 vào cuối năm 2019, lương cơ sở cho cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, lương hưu sẽ tăng lên 1,6 triệu đồng một tháng từ 1/7. Mức này tăng khoảng 110.000 đồng so với năm 2018 (tương đương 7%).
Cũng theo Thủ tướng, mục tiêu tăng GDP 6,8% cho năm 2020 là thách thức lớn và khó đạt được nền đề nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu năm 2020. Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội miễn, giảm thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do Covid-19, trong đó giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Tăng mức giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu đồng
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý tăng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân theo tờ trình của Chính phủ. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được nâng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng một tháng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng một tháng. Chính phủ cho biết sẽ có khoảng 1 triệu người không phải nộp thuế thu nhập cá nhân với mức giảm trừ mới.
Mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, do theo quy định hiện hành kỳ tính thuế tiền công, tiền lương của doanh nghiệp được tính theo năm, từ ngày 1/1. Các trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng, 3,6 triệu đồng với mỗi người phụ thuộc sẽ được xác định lại khi quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2020.
Giá vé máy bay mùa hè giảm mạnh
Cao điểm hè tháng 6, 7, 8 hàng năm, giá vé máy bay thường rất cao. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, xu hướng năm nay đang đi theo chiều ngược lại. Nhiều đại lý kinh doanh vé máy bay cho biết, một số chặng bay nội địa vào thời điểm này rẻ hơn 20 - 40% so với năm ngoái, vì các hãng liên tục đưa ra các chương trình kích cầu.
Cụ thể, các chặng TP. HCM/ Hà Nội đi Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Yên có giá dao động 1 - 1,8 triệu đồng cho vé khứ hồi. Các hãng hàng không cho biết, giá vé hè rẻ do dịch bệnh kéo dài khiến nhu cầu đi lại thấp nên cần kích cầu du lịch nội địa.
Hãng Vietjet Air cũng vừa tung hơn 200.000 vé giá 0 đồng trên khắp các đường bay từ 15/5 đến 30/6/2020. Còn Vietnam Airline và Jetstar Pacific cũng đang có mức giá từ 49.000 đồng (chưa thuế phí) cho nhiều chặng bay nội địa. Vietnam Airlines thì cho hay, ngoài việc tung vé giá tốt, hãng còn phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và các công ty lữ hành để xây dựng sản phẩm tour ưu đãi giảm tối đa 40% giá vé khi đi theo nhóm tối thiểu 6 người.
55% dân số sẽ mua sắm online vào năm 2025
Ngày 18/5, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký kế hoạch phát triển thương mại điện tử đến năm 2025. Theo đó, 5 năm tới sẽ có khoảng 55% người Việt mua sắm qua kênh trực tuyến, với giá trị mua hàng bình quân 600 USD một người một năm.
Cùng với đó, theo mục tiêu của Chính phủ, doanh số thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) tăng 25% mỗi năm, doanh thu khoảng 35 tỷ USD và chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Các dịch vụ phụ trợ, thanh toán không dùng tiền mặt mục tiêu đạt 50%. Ngoài ra, 80% website thương mại điện tử tích hợp đặt hàng trực tuyến và khoảng 70% giao dịch mua bán trên các trang này có hoá đơn điện tử.
Chính phủ cũng đặt kế hoạch một nửa doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển kênh bán hàng online (gồm cả mạng xã hội), 40% có các ứng dụng di động, 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng...
Trung Quốc bỏ mục tiêu tăng trưởng
Sáng 22/5, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng nước này - Lý Khắc Cường đã công bố hàng loạt mục tiêu cho nền kinh tế lớn nhì thế giới năm nay. Theo đó, lần đầu tiên sau hàng chục năm, Trung Quốc bỏ mục tiêu tăng trưởng GDP bằng con số, do Covid-19 khiến triển vọng kinh tế thiếu chắc chắn. Hồi quý I, GDP nước này đã giảm 6,8%, lần đầu tiên xuống âm trong hàng chục năm.
Với việc triển vọng tăng trưởng còn phụ thuộc vào các đối tác thương mại - vốn cũng đang lao đao vì đại dịch, Chính phủ Trung Quốc chuyển hướng tập trung sang lao động và duy trì ổn định trong nước. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tạo thêm hơn 9 triệu việc làm tại thành thị, thấp hơn mục tiêu 11 triệu năm 2019. Tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị cũng sẽ được duy trì quanh 6% - cao hơn năm ngoái.
Mục tiêu thâm hụt ngân sách của Trung Quốc được nới rộng lên trên 3,6% GDP, lớn hơn mức 2,8% của năm ngoái và cũng là mốc cao nhất 10 năm. Nước này định phát hành hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu (141 tỷ USD) để tạo nguồn vốn cho tăng chi tiêu công nhằm tái khởi động nền kinh tế và kiểm soát đại dịch.
Mỹ muốn siết vốn các tập đoàn công nghệ Trung Quốc
Thượng viện Mỹ hôm 20/5 thông qua dự luật yêu cầu các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ phải chứng minh họ không chịu sự kiểm soát của một Chính phủ nước ngoài. Nếu một công ty không chứng minh được điều này, hoặc Ủy ban Giám sát kế toán các Công ty Đại chúng (PCAOB) không thể kiểm toán họ trong ba năm liên tiếp để xác minh, cổ phiếu của hãng sẽ bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Mỹ. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp Trung Quốc như Alibaba hay Baidu bị hủy niêm yết trên sàn New York và Nasdaq.
Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã cảnh báo việc hàng tỷ USD chảy vào một vào một số tập đoàn lớn nhất Trung Quốc, nhằm tìm kiếm mức lời cao. Mỹ lo ngại khi dòng tiền của nước này đang đầu tư cho các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc có tham vọng dẫn đầu trong mọi lĩnh vực, từ trí tuệ nhân tạo, xe tự lái cho đến thu thập dữ liệu.
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ TOP STARTUP NỔI BẬT CỦA SK STARTUP FELLOWSHIP 2021 SẴN SÀNG “BÙNG NỔ” TẠI DEMO DAY
- Bạn có thể không phải người xuất sắc nhất nhưng phải là người hạnh phúc!
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Mô hình O2O - Phần 1: Vì sao O2O vẫn là xu hướng tiếp cận người tiêu dùng không bao giờ cũ?
- Sàn diễn online – Xu hướng tất yếu cho ngành thời trang
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- Mô hình O2O – Phần 3: Phát triển hay tàn lụi vì thương mại điện tử?
- Mảng thương mại điện tử cốt lõi vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” mùa Covid