Tín hiệu khởi động của thị trường smartphone hậu Covid

Tuần qua, iPhone 11 trở thành smartphone bán chạy nhất; Huawei cũng chuẩn bị cho sự trở lại sau 1 năm bị Mỹ cấm vận; 4 phiên bản Bphone mới của BKAV đã chính thức ra mắt thị trường...
Pháp dùng AI kiểm tra người đeo khẩu trang
Theo Bloomberg, Pháp vừa bắt đầu thử nghiệm phần mềm AI tích hợp trong hệ thống camera an ninh trên tàu điện ngầm, được thử nghiệm tại nhà ga trung tâm Chatelet-Les Halles của Paris từ 10/5. Xavier Fischer, CEO của đơn vị vận hành hệ thống DatakaLab, cho biết mục tiêu dự án là tạo ra dữ liệu ẩn danh nhằm giúp các nhà chức trách dự đoán sự bùng phát của COVID-19 trong tương lai, không phải là để theo dõi hoặc trừng phạt những người không đeo khẩu trang.
Giải pháp AI của DatakaLab bao gồm một CPU nhỏ gắn vào camera quan sát, làm nhiệm vụ xử lý video theo thời gian thực nhưng không cần kết nối Internet. Khi xe bus về bến vào ban đêm, hệ thống sẽ tự động kết nối và gửi dữ liệu đến cơ quan giao thông địa phương thông qua mạng Wi-Fi.
Việc Pháp áp dụng AI để theo dõi người dân là động thái mới nhất trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19 đang lan rộng tại nước này. Theo số liệu từ WorldOMeters, Pháp ghi nhận hơn 178.000 người nhiễm nCoV và gần 27.500 trong đó đã chết.
BKAV ra bốn smartphone mới
Tối 10/5, hãng BKAV đã cho ra mắt bốn phiên bản Bphone mới sau nhiều lần trễ hẹn vì Covid-19, gồm Bphone B40, Bphone B60 và Bphone B86s. Trong khi Bphone B86 và Bphone B86s tập trung vào thị trường cận cao cấp, Bphone B40 và Bphone B60 lại hướng tới thị trường smartphone tầm trung.
Về thiết kế, cả 4 mẫu smartphone mới của BKAV đều sở hữu thiết kế tràn ba viền ở đuôi và hai bên máy, chỉ có một phím vật lý duy nhất. Về camera, trong khi B86 và B86 sở hữu camera chính PDAF Dual pixel 2 cảm biến trong 1 ống kính (12MP cho chụp ảnh + 12MP cho lấy nét), khẩu độ F/1.8 thì B40 và B60 lại chỉ được trang bị camera đơn.
Về cấu hình, thông số chi tiết của B40 và B60 vẫn chưa được tiết lộ, trong khi B86 và B86s không có nhiều khác biệt: cả hai đều được trang bị màn hình 6,1 inch với độ phân giải Full HD+ (2160x1080 pixel), vi xử lý Qualcomm Snapdragon 675GPU Adreno 612, RAM 4GB, chạy hệ điều hành BOS 8.6 (Android 9), hỗ trợ chống nước theo tiêu chuẩn IP68+, sạc nhanh Quick Charge 4.
B86 sẽ có giá 8,99 triệu đồng trong khi B86s có giá 9,99 triệu đồng. Trong khi đó, Bphone B40 có giá bán là 5,49 triệu đồng, còn Bphone B60 có giá là 6,99 triệu đồng.
iPhone 11 là smartphone bán chạy nhất trong đại dịch
Công ty phân tích Canalys vừa công bố danh sách 10 điện thoại bán chạy nhất quý I/2020. Trong đó, mẫu iPhone 11 "giá rẻ" của Apple đứng đầu với hơn 18 triệu máy, vượt xa vị trí thứ hai là Redmi Note8 của Xiaomi (hơn 8 triệu máy) và Galaxy A51 của Samsung (gần 7 triệu máy).
Theo các chuyên gia, việc hầu hết mọi người phải ở nhà vì Covid-19, trong đó có những người thất nghiệp, buộc họ phải dùng tiền cho các mục đích thiết yếu hơn. Điều này cũng khiến nhu cầu mua điện thoại giảm, hoặc ưu tiên các sản phẩm giá rẻ.
Thực tế, theo danh sách của Canalys, hầu hết smartphone bán ra trong quý đầu 2020 nằm trong phân khúc tầm trung, đến từ Xiaomi và Samsung. Tuy vậy, vẫn có hai đại diện cao cấp khác đều của Apple, là iPhone 11 Pro Max (đứng vị trí thứ sáu) và iPhone 11 Pro (đứng thứ 10).
Apple sẽ "di cư" sang Ấn Độ
Theo Economic Times, Apple được cho là đang lên kế hoạch di dời 20% công suất sản xuất thiết bị, trong đó có iPhone, từ Trung Quốc sang Ấn Độ khi một số giám đốc điều hành của Apple đã thảo luận với các quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ vài ngày qua.
Theo thảo luận, mong muốn của Apple là cần được "mở đường" để tăng cường việc sản xuất thiết bị tại địa phương, bao gồm chuyển 1/5 năng lực sản xuất từ Trung Quốc sang. Nếu thành công, Apple có thể trở thành doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất Ấn Độ, với kỳ vọng sẽ sản xuất số lượng smartphone trị giá tới 40 tỷ USD tại nước này trong 5 năm tới.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, Apple đang giảm bớt sự phụ thuộc sản xuất vào Trung Quốc thời gian qua, bằng cách chuyển dần nhà máy sang một số quốc gia khác. Ngoài Ấn Độ, công ty Mỹ còn được cho là sắp di dời nhà máy sản xuất AirPods sang Việt Nam, dù hãng đã có một số đối tác ở đây.
Đông Nam Á thành mục tiêu của hacker
Công ty an ninh mạng Check Point (Israel) cho biết đã phát hiện một nhóm hacker đứng sau chiến dịch tấn công có chủ đích có tên gọi là Naikon APT, được cho là có nguồn gốc Trung Quốc. Mục tiêu của Naikon APT là thu thập thông tin của chính phủ các nước trong khu vực Đông Nam Á, như Việt Nam, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Myanmar, Brunei. Ngoài ra, nhóm này còn nhắm mục tiêu khác ngoài Đông Nam Á, là Australia.
Check Point khẳng định có bằng chứng cho thấy Naikon APT đang gia tăng hoạt động gián điệp trở lại từ cuối năm 2019 và trong quý I/2020 thông qua một email đính kèm file có tên The Indians Way.doc chứa mã độc. Phần mềm độc hại được nhóm sử dụng phổ biến là cửa hậu có tên Aria-body, cho phép vượt qua các phần mềm bảo mật, kiểm soát từ xa, sao chép, xóa hoặc tạo file trên các máy tính bị nhiễm mã độc.
Theo các chuyên gia bảo mật, cách tấn công thường thấy nhất của Naikon APT vẫn là dùng email chứa thông tin hấp dẫn nhưng đính kèm làm mồi nhử. Nếu không để ý, người dùng có thể click vào file này và thành nạn nhân của cuộc tấn công.
Huawei loay hoay sau đúng một năm bị Google "cự tuyệt"
Huawei đã bị chính phủ Mỹ đưa vào danh sách thực thể và cấm các doanh nghiệp nước này làm ăn với công ty Trung Quốc từ 15/5/2019, tức tròn đúng một năm. Trong đó, Huawei cũng đã bị Google cấm sử dụng các dịch vụ của mình. Theo WSJ, việc thiếu các ứng dụng Google khiến điện thoại của công ty này không còn hấp dẫn người dùng như trước, đặc biệt là khu vực ngoài Trung Quốc. Số liệu từ Canalys cho thấy, lượng smartphone bán ở thị trường ngoài Trung Quốc của Huawei đầu 2020 đã giảm hơn 35%. Mức giảm này gấp đôi Samsung và gấp bốn lần Apple.
Sau khi bị cấm, Huawei tìm cách phát triển nền tảng riêng dựa trên dịch vụ Huawei Mobile Services để thay cho Google Mobile Services. Trong số này, hãng chú trọng cửa hàng ứng dụng App Gallery bằng cách đổ vào đó hàng tỷ USD cùng việc tuyển dụng rầm rộ hơn một triệu nhà phát triển.
Hiện nay, theo thông báo của Huawei, AppGallery có hơn 400 triệu người dùng hoạt động hàng tháng. Tuy nhiên, số liệu không đề cập đến các thị trường cụ thể. Neil Mawston, Giám đốc điều hành Strategy Analytics, ước tính ít nhất 90% trong số 400 triệu người dùng đó đang ở Trung Quốc, cho thấy nó chưa đủ sức hấp dẫn với bên ngoài.
YouTube gặp sự cố toàn cầu
Theo CNet, sự cố diễn ra ở Mỹ từ 16h ngày 14/5 (6h ngày 15/5, giờ Hà Nội), ảnh hưởng toàn cầu trong hơn nửa giờ đồng hồ, nặng nhất là ở Mỹ, Tây Âu và Australia. Nhiều người cho biết không thể truy cập được vào dịch vụ video này.
Ngay sau đó, đại diện YouTube đã thừa nhận sự cố trên Twitter, cho biết liên quan tới việc truy cập trang home, thuê bao, tìm kiếm. Tuy nhiên, người đại diện này không nêu nguyên nhân xảy ra vấn đề.
YouTube hiện là một trong những dịch vụ được truy cập nhiều nhất thế giới. Do Covid-19 bùng phát, nhiều người vẫn đang làm việc và học tập tại nhà. Họ cũng giải trí bằng cách xem kênh video và streaming như: YouTube, Netflix... để cảm thấy bớt căng thẳng do không được ra ngoài. Sự cố xảy ra đã khiến nhiều người than phiền trên mạng xã hội.
Facebook xây cáp quang biển bao quanh châu Phi
Facebook cho biết đang chuẩn bị xây dựng tuyến cáp quang biển 37.000 km nối 23 quốc gia châu Phi với châu Âu và Trung Đông, được đặt tên là 2Africa. Dự án có sự hợp tác của các nhà mạng gồm China Mobile của Trung Quốc, MTN của Nam Phi, Orange và Vodafone của Pháp cũng như các nhà khai thác viễn thông trên khắp châu Phi, nơi có tuyến cáp đi qua. Hệ thống cáp ngầm sẽ do Nokia cung cấp và Alcatel xây dựng.
Sau khi hoàn tất, tuyến cáp mới dự kiến sẽ cho tốc độ 150 Tbps, cung cấp gần gấp ba lần tổng dung lượng mạng của tất cả tuyến cáp ngầm phục vụ châu Phi hiện nay. Dự án đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng vào 2023 và hoặc đầu 2024 và đưa vào sử dụng ngay sau đó.
Theo WSJ, châu Phi hiện có hơn 1,2 tỷ dân sinh sống nhưng hầu hết trong số đó không được tiếp cận Internet hoặc chỉ được dùng mạng thông qua các thiết bị 2G. Dự án được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng đời sống người dân tại đây, cũng như mang lại nguồn thu khổng lồ cho các công ty như Facebook, Google…
---
Kỷ nguyên 4.0 đang thay đổi cuộc sống của chúng ta ra sao? #30GiâyCôngNghệ giúp bạn cập nhật những diễn tiến vạn vật thế giới đang kết nối trên Internet tính bằng từng phút, từng giây để không ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Thêm một ứng dụng đa nền tảng được Facebook, PayPal rót vốn
- Tạo cộng đồng lớn trên Facebook để chia sẻ, không nhằm mục tiêu kiếm tiền
- “Việt Nam: Tìm kiếm cho ngày mai” – Báo cáo giá trị từ Google
- Google trang bị gì mới để #WorkFromHome dễ dàng?
- Covid-19, công nghệ và “quyền riêng tư”
- Những cách bảo vệ bản thân trước hacker mùa dịch
- 30 giây công nghệ: Cảnh giác thuyết âm mưu về Covid-19 và chiêu trò mới của hacker
- Trí tuệ nhân tạo thách thức Covid-19
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- THÔNG CÁO BÁO CHÍ TOP STARTUP NỔI BẬT CỦA SK STARTUP FELLOWSHIP 2021 SẴN SÀNG “BÙNG NỔ” TẠI DEMO DAY
- Học sinh 17 tuổi thắng cuộc thi của Apple “đọ” với “thợ săn” Pokemon 73 tuổi
- Apple ra ứng dụng và website riêng cho Covid-19
- Sáng tạo chỉ 1 hay hàng trăm video đều có thể trở thành Youtuber nổi tiếng
- Ohsusu - Vươn lên Top Creator Youtube Đông Nam Á chỉ trong thời gian ngắn
- #StayAtHome chứng kiến sức mạnh của công nghệ
- #WorkFromHome vĩnh viễn nhờ Covid-19?
- 4 lời khuyên giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng #WorkFromHome hậu Covid từ chuyên gia của ELSA Speak, Ruby Nguyễn
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“