#WorkFromHome và hiệu ứng “Củ khoai tây”

Mọi diễn tiến sinh hoạt và làm việc của mọi người trên khắp thế giới hiện đang ăn theo trend Covid như: làm việc từ xa, đặt tên con, túi xách bảo vệ em bé, thi đấu thể thao, sáng chế sản phẩm phát hiện virus... Nhưng dù gì cũng hãy cẩn trọng trước những thử nghiệm mới.
Họp từ xa ấn nhầm filter
Đại dịch Covid-19 khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới ra lệnh phong tỏa, buộc mọi người phải học tập và làm việc từ xa để tránh sự bùng phát của dịch bệnh. Tất nhiên, phương pháp này có những tiện lợi, nhưng cũng khiến chúng ta có lúc sẽ bị rơi vào tình huống "dở khóc dở cười". Như trường hợp của Lizet Ocampo, giám đốc chính trị của tổ chức phi lợi nhuận People For The American Way, dưới đây là một ví dụ.
Cụ thể, Lizet đã cùng nhân viên của mình họp online thông qua ứng dụng Microsoft Teams. Không hiểu vô tình hay cố ý, cô đã bật hiệu ứng (filter) hình củ khoai tây trong suốt. Tất nhiên, tất cả nhân viên đang họp còn lại đều thấy và đều nhịn cười để cuộc họp diễn ra suôn sẻ.
Tuy vậy, một nhân viên trong đó đã âm thầm chụp lại màn hình và đăng lên Twitter: "Sếp của tôi đã tự mình biến thành củ khoai tây trong suốt thế này đây. Cô ấy mắc kẹt trong hình hài đó suốt buổi họp".
Đoạn tweet nhanh chóng nhận được sự chú ý của cộng đồng mạng. Đến nay, đoạn trạng thái đã nhận hơn một triệu lượt thích cùng hàng nghìn bình luận. Đa phần đều cảm thấy tình huống khá hài hước, trong khi số khác nhắn nhủ rằng nên cẩn thận khi họp online.
Trước đó, một số video khác cũng chia sẻ những tình huống trớ trêu khi làm việc tại nhà, như video có sự xuất hiện của "những người bạn có lông", hay người nhà với cách ăn mặc tuềnh toàng vô tình đi ngang. Cách đây không lâu, một linh mục ở Italy cũng đã quên tắt filter trong buổi phát trực tiếp trên Facebook và kết quả là ông được đội thêm đủ thứ lên đầu: từ mũ phù thủy đến mũ bảo hiểm.
Phụ huynh Philippines đua đặt tên con là "Covid"
Ngày nay, nhiều bậc phụ huynh chọn đặt tên cho con theo người nổi tiếng, địa danh, ý nghĩa về cuộc sống… nhưng cũng có người đặt tên dựa vào một sự kiện đặc biệt đang diễn ra. Thống kê gần đây cho thấy, lượng trẻ sơ sinh có tên gọi Covid tại Philippines tăng vọt khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Cụ thể, hôm 18/3 vừa qua, một người dùng Philippines trên Twitter đã đăng giấy khai sinh của con gái có tên gọi Covid Rose. Dưới phần bình luận, nhiều người cũng khoe giấy khai sinh của con trai mình là Covid Bryant. Tiếp đó, một bé gái sinh ra ở thị trấn Magpet tên Covid Lorraine hay bé trai khác tên Coviduvidapdap khá ấn tượng.
Đây không phải là lần đầu tiên các bậc phụ huynh gọi tên con theo sự kiện đặc biệt. Trước đó, ba anh chị em nổi tiếng là Macaroni ’85 Pascual, Spaghetti ’88 và Sincerely Yours ’98 cũng trở thành chủ đề bàn tán vì tên lạ. Họ cũng có hai người em tên Design (Thiết kế) và Research (Nghiên cứu), thậm chí sau này Spaghetti ’88 còn đặt tên con mình là Cheese Pimiento (Phô mai ớt pimento).
Tuy vậy, theo một số người bản địa Philippines, một số phụ huynh sẽ đặt lại tên con khi chúng đi học, do lo ngại sẽ bị trêu chọc hoặc bị phân biệt đối xử.
Chế tạo balo đặc biệt để bảo vệ con trai cưng giữa mùa dịch
Một ông bố 30 tuổi ở Thượng Hải (Trung Quốc) với nickname là Bạch Ảnh đã đăng trên Douyin (phiên bản tiếng Trung của TikTok) chiếc balo "đến từ tương lai" dành cho con trai.
Cụ thể, chiếc balo được lấy cảm hứng từ một trò chơi online. Là một chuyên gia thiết kế nội thất, Bạch Ảnh đã nghĩ ra cách lấy balo đựng thú cưng, sau đó gắn thêm thiết bị lọc không khí, cảm biến đo độ ẩm và nhiều chi tiết khác. Bên trong, khoang chứa có thể đủ cho một em bé sơ sinh nằm. Bên ngoài, một màn hình nhỏ sẽ hiển thị các chỉ số bên trong như nhiệt độ, lượng ô-xy, CO2.
Sau khi đăng tải video, ông bố một con này đã nhận được những lời khen từ cộng đồng mạng, nhất là khả năng bảo vệ bé trong đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Một số thậm chí đã đặt mua thiết bị tương tự cho con mình, nhưng Bạch Ảnh từ chối.
Tay đua chuyên nghiệp chuyển sang đua xe online
Việc nhiều thành phố và quốc gia bị phong tỏa khiến các giải đấu thể thao lớn, trong đó có giải đua xe công thức 1 thế giới (F1) bị hoãn thi đấu vô thời hạn. Để "giải khuây" cho các tay đua, ban tổ chức F1 sau đó đã tổ chức một giải đấu online tương tự trên tựa game F1 2019 do Codemasters sản xuất, có tên "F1 Esports Virtual Grand Prix".
"F1 Esports Virtual Grand Prix" cho phép các tay đua đã đăng ký tham gia mùa giải năm nay có thể đăng ký, cùng với một số khách mời. Tất nhiên, giải đấu cũng được tổ chức hết sức bài bản, có các buổi tường thuật trực tiếp dưới dạng livestream trên các kênh Youtube, Twitch và Facebook chính thức của ban tổ chức, kéo dài đến hết tháng 5 và cũng có những giải thưởng giá trị lớn.
Tuy nhiên, giải đấu này sẽ chỉ mang tính giải trí. Thứ hạng các tay đua trên thực tế không bị ảnh hưởng.
Trước đó, một giải đấu bóng đá online tại Tây Ban Nha cũng được tổ chức tương tự, chơi trên game FIFA Online 2020. Toàn bộ số tiền giải thưởng đã được quyên góp để phục vụ chống Covid-19.
Gặp sự cố khi chế tạo hệ thống cảnh báo Covid-19
Nạn nhân là nhà vật lý thiên văn học Daniel Reardon. Trước đó, ông đã nảy ra ý tưởng về một hệ thống cảnh báo tự động mỗi khi người nào đó có ý định sờ tay lên mặt. Việc sờ tay lên mặt là thói quen xấu và có thể tiềm ẩn nguy cơ khiến virus nCoV xâm nhập vào cơ thể.
Ý tưởng của Reardon là tạo nên hệ thống gồm hai thiết bị: một chiếc vòng cổ và một chiếc vòng tay. Vòng cổ tích hợp mạch điện và có thể cảm nhận từ trường đến gần bằng cách phát ra âm thanh, trong khi vòng tay tích hợp nam châm. Cứ khi đưa tay lên, có tiếng beep phát ra để cảnh báo người dùng không nên đưa tay lên mặt.
Tuy vậy, ý tưởng trên thất bại khi hệ thống thực hiện hoàn toàn ngược lại: chỉ ngừng kêu khi Reardon đưa tay lên mặt. Lúc này, ông nghĩ ra cách táo bạo hơn: đặt nam châm vào tai và sau đó là lỗ mũi.
Tuy nhiên, khi công trình nghiên cứu đang tiến triển, Reardon bất ngờ gặp tai nạn khi những cục nam châm bên trong mũi ông không chịu "nghe lời" và mắc kẹt trong đó, buộc nhà khoa học này phải đến bệnh viện địa phương để gắp ra.
Hiện tình hình sức khỏe của "nhà sáng chế" đã hoàn toàn ổn định. Các bác sĩ thì trêu đùa rằng, đây chính là hậu quả của việc cách ly tại nhà và không có việc gì để làm.
---
Điều gì đang diễn ra? #TrendChange là nơi khám phá những điều thú vị trong cuộc sống được dẫn dắt bởi sự nhạy bén và năng động của thế hệ Millennials (hay còn gọi là Gen Y) ngày nay.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Công nghệ tiên phong – ‘Thời vận’ mới của Việt Nam
- 70.000 nhân viên startup công nghệ mất việc
- Mô hình O2O - Phần 1: Vì sao O2O vẫn là xu hướng tiếp cận người tiêu dùng không bao giờ cũ?
- Sàn diễn online – Xu hướng tất yếu cho ngành thời trang
- #WorkFromHome vĩnh viễn nhờ Covid-19?
- 4 lời khuyên giúp doanh nghiệp đón đầu xu hướng #WorkFromHome hậu Covid từ chuyên gia của ELSA Speak, Ruby Nguyễn
- Công nghệ phát hiện trường hợp nghi nhiễm Coronavirus ngay lập tức
- #Covid-19 mang về cho Avi Schiffmann 8 triệu USD trong khi khiến cho Bill Gates “đau đầu” với tin giả nghiêm trọng
- #Covid-19 gây khó nhưng Việt Nam có thể vẫn tăng trưởng 4,9% năm nay