TS. Vũ Duy Thức: Robot có thể là những “chiến sĩ” tuyến đầu trong cuộc chiến chống Covid-19

Theo đồng sáng lập kiêm CEO OhmniLabs, startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon Vũ Duy Thức, các robot không những chăm sóc về thể xác mà còn có thể xoa dịu về tinh thần những bệnh nhân đang bị cách ly thời gian dài với thế giới bên ngoài.
Tính đến sáng ngày 31/3, thế giới tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm nCoV và số người chết tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ không ngừng tăng cao. Số ca nhiễm tăng quá nhanh đã làm tê liệt hệ thống y tế tại nhiều thành phố lớn, kể cả những thành phố hàng đầu thế giới như New York, Mỹ. Sự thiếu hụt khẩu trang, thiết bị bảo hộ, găng tay, nhiệt kế, máy thở… trở thành vấn đề nhức nhối trong công tác khám – chữa bệnh.
"Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu hiện tại, và OhmniLabs đang làm những gì có thể để hỗ trợ cộng đồng", tiến sĩ Vũ Duy Thức – đồng sáng lập và CEO của OhmniLabs chia sẻ về chiến dịch gửi những chú robot đến các bệnh viện để hỗ trợ chống dịch Covid-19.
Từ nỗi lòng của những người con xa quê
Từ khi mới 10 tuổi, Vũ Duy Thức đã có niềm đam mê toán học mãnh liệt khi anh đã dành hàng giờ đồng hồ chỉ để tìm ra đáp án đúng cho một bài toán. Tính cách này đã giúp anh chinh phục thành tích học tập đáng nể: tốt nghiệp hạng ưu (với điểm số tuyệt đối 4/4) tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), đoạt giải thưởng "Sinh viên ưu tú nhất" của Hiệp hội Nghiên cứu tin học Mỹ (CRA) và là người Việt trẻ nhất từng nhận bằng Tiến sĩ (chuyên ngành Trí tuệ nhân tạo) tại Đại học Stanford.
Trong thời gian trên ghế giảng đường, Vũ Duy Thức đã có nhiều nghiên cứu được công bố tại các hội nghị, tạp chí khoa học quốc tế cũng như tham gia sáng lập loạt start up công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như: ứng dụng Katango tự động phân loại bạn bè (đã được Google mua lại); ứng dụng Tappy nâng tầm các cộng đồng địa phương thành mạng lưới xã hội lớn; ứng dụng Umbala cung cấp nền tảng chat video tự hủy từng rất phổ biến tại châu Âu…
Tuy nhiên, đam mê lớn nhất của Vũ Duy Thức là dành cho robot, đặc biệt là robot gia đình. Anh nhận thấy, robot đã xuất hiện từ nhiều năm nay nhưng hầu hết chỉ được thiết kế phục vụ sản xuất công nghiệp, trong khi robot gia đình thì mới chỉ phổ biến để hút bụi hoặc làm đồ chơi. Điều này đã thôi thúc anh chế tạo một sản phẩm vừa hỗ trợ đắc lực trong cuộc sống, vừa không quá phức tạp và có giá thành phải chăng cho người dùng.
Sinh sống tại Mỹ trong thời gian dài, Vũ Duy Thức thấu hiểu nỗi lòng của những người con xa xứ, mong muốn được kề cận, tương tác thường xuyên với các thành viên trong gia đình, đặc biệt với những người có ba mẹ đã lớn tuổi. Anh nhanh chóng nhận ra, đây cũng là thực tế phổ biến tại quốc gia mình đang sinh sống, khi có đến 44 triệu người trên 65 tuổi tại Mỹ và có khoảng 70% trong số này sống một mình. Những người này không thoát được sự cô đơn và luôn cần giúp đỡ trong nhiều việc.
"Các sản phẩm công nghệ như điện thoại thông minh, laptop, Skype, FaceTime... tuy tốt nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định.", Vũ Duy Thức cho biết.
Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, lượng người cao tuổi trên thế giới được dự báo sẽ chạm ngưỡng 2,1 tỷ vào năm 2050. Với số nhân viên điều dưỡng đang có xu hướng giảm nhanh, người cao tuổi dễ rơi vào cảnh sống cô đơn khi tuổi già, thậm chí là có bệnh tật con cháu cũng không được biết. Sau khi thực hiện các khảo sát nghiêm túc, cẩn thận, anh bắt đầu lên ý tưởng phát triển OhmniLabs – start up tạo ra những robot giúp việc, với khởi đầu là giúp con người giao tiếp, tương tác từ xa.
Có thể hình dung đơn giản, đây là một loại robot gọn nhẹ, có khả năng di chuyển linh hoạt và gắn trên đỉnh một máy tính bảng (hiển thị gương mặt người ở xa), một webcam (thu hình trực tiếp), máy thu âm ở phần giữa...
Do sự linh hoạt này mà robot có thể cùng đi dạo, xem phim... với người già mà cả hai bên đều không bị gián đoạn việc riêng. Đặc biệt, toàn bộ chuyển động và cuộc gọi sẽ được người thân ở đầu bên kia thực hiện qua trình duyệt nhờ giao diện điều khiển MotionMap. Nên người già không cần biết tiếng Anh hay am hiểu công nghệ cũng có thể dễ dàng sử dụng để giao tiếp với con cháu.
"Ngay cả khi sống cách cha mẹ hàng ngàn dặm, bạn vẫn có thể sử dụng bàn phím trên desktop, touchpad trên laptop hoặc màn hình smartphone để điều khiển đường đi nước bước cũng như điểm nhìn của robot. Với OhmniLabs, bạn có thể trực tiếp tham gia vào cuộc sống của họ chứ không chỉ đơn thuần nghe gọi như qua điện thoại hay máy tính thông thường.", tiến sĩ trẻ chia sẻ.
Đánh trúng nhu cầu, sản phẩm đầu tiên của OhmniLabs đã chạm mục tiêu 100.000 đô la Mỹ gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày. Việc này đã tạo nên một hiện tượng truyền thông trên đất Mỹ, với sự đưa tin của nhiều tờ báo danh tiếng như New York Times, CNN, Techcrunch... The Business Journals - tờ báo uy tín về kinh doanh của Mỹ - còn bình chọn Vũ Duy Thức vào top 40 gương mặt dưới 40 tuổi ấn tượng nhất Thung lũng Silicon (Silicon Valley 40 under 40) năm 2017.
Đến khát vọng cống hiến cho cộng đồng
Với quan điểm thành công và hạnh phúc là việc tạo ra giá trị cho nhiều người, Vũ Duy Thức chia cuộc sống theo tam trụ: nghiên cứu, kinh doanh và đóng góp cho xã hội. Nếu như mảng nghiên cứu và kinh doanh đã quá nổi tiếng thì mảng đóng góp cho xã hội của anh cũng đã đạt nhiều thành tựu.
Năm 2011, anh cùng với CEO startup ELSA Văn Đinh Hồng Vũ thành lập nên Vietseeds Foundation - quỹ học bổng chuyên hỗ trợ tiền học và một phần sinh hoạt phí cho sinh viên khó khăn. Sau 8 năm hoạt động, Vietseeds đã trao hàng trăm suất học bổng (4.000 USD/suất) chắp cánh cho các bạn trẻ tiềm năng. Hầu hết các sinh viên nhận hỗ trợ đều có kết quả học tập tốt, nhiều bạn thậm chí còn đứng đầu khoa, giành được các giải thưởng quốc tế hay học bổng đi du học nước ngoài.
Nói về lý do coi "đóng góp cho xã hội" là một phần mục tiêu sống của mình, Vũ Duy Thức cho biết bản thân luôn tự thấy mình rất may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của nhiều người để có cơ hội học tập và theo đuổi đam mê. Anh muốn đền đáp lại cho người dân quê hương bằng việc tạo ra điều kiện tương tự cho các em sinh viên nghèo. Vị doanh nhân U40 vững tin rằng giáo dục là bệ phóng vững chắc nhất cho các bạn trẻ. Khi có tri thức, các bạn sẽ đảm bảo được tương lai dù xuất phát điểm có thấp, thiệt thòi hơn người khác.
Không dừng lại ở đó, các startup do Duy Thức điều hành vẫn không đứng ngoài mỗi sự vận động của xã hội. Nổi bật gần đây là chiến dịch hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu của OhmniLabs.
Cụ thể, startup đã sản xuất những tấm che mặt bằng công nghệ in 3D để gửi tặng cho các bệnh viện trước tình trạng thiếu hụt nhựa PPE. Công ty cũng đưa robot đến nhiều bệnh viện trên thế giới nhằm vừa chăm sóc người bệnh nằm tại viện, vừa giúp bác sĩ và người thân có thể thăm khám bệnh nhân từ xa. Tiến sĩ trẻ tin tưởng, các robot không chỉ giúp chăm sóc về thể xác mà còn xoa dịu về tinh thần cho những bệnh nhân đang phải cách ly thời gian dài với cộng đồng.
Cụ thể, những chú robot của OhmniLabs có thể được lập trình để giúp các bác sĩ thăm khám từng bệnh nhân mà không cần tiếp xúc trực tiếp cũng như cung cấp các nhu yếu phẩm như quần áo, thức ăn, thuốc men… Người nhà có thể được chia sẻ quyền điều khiển robot để trò chuyện, giao tiếp với người đang cách ly. Với phần đầu linh hoạt, robot có thể gật và xoay như người thật theo điều khiển của người gọi video, giúp người dùng có cảm giác như người thân của họ đang hiện diện ngay bên cạnh.
"Những người đang cách ly không chỉ dễ bị tổn thương và nguy cơ cao nhất đối với Covid-19, mà còn phải chịu đựng sự cô đơn và cô lập. Chính vì thế, robot của chúng tôi sẽ giúp họ vượt qua những nỗi đau này.", anh chia sẻ.
Bên cạnh đó, OhmniLabs cũng ủng hộ nhu yếu phẩm, sản phẩm y tế và tạo ra nền tảng công nghệ sáng tạo giúp kết nối dịch vụ chăm sóc sức khỏe với người bệnh và thân nhân có yêu cầu.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- CHƯƠNG TRÌNH “TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO ỨNG PHÓ DỊCH COVID-19 TẠI TP.HCM NĂM 2021“
- Design Bold’s Founder, Hung Dinh advises enterprises to quickly take the chance of COVID-19 for digitalisation
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021
- SỞ KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ TP.HCM SẴN SÀNG CHUYỂN GIAO “VACCINE CÔNG NGHỆ” ĐỒNG LÒNG CÙNG TP. HCM CHỐNG COVID-19
- Từ du lịch đến công nghệ 4.0
- Đồng sáng lập School of Gumption, Phạm Hải Yến: “Tình yêu và trí tưởng tượng sẽ giúp ta chinh phục robot”
- Robot đang làm thay con người mọi thứ. Làm thế nào để không bị mất việc?