Giữa chúng ta, dù doanh nghiệp hay mỗi cá nhân, ai có thể tự tin nhận mình hoàn toàn không ảnh hưởng trong vòng xoáy đại dịch? Thẳng thắn mà nói, chúng ta đều chịu tác động, không nhiều thì ít, không vật chất thì tinh thần.
Mỗi người mỗi kiểu tương trợ
Nguyễn Linh Chi là Giám đốc điều hành của Havas Media. Trong buổi chiều ngày 9/9, khi tâm sự với khách mời về duyên cớ tham gia chạy tiếp tức “Lên Cùng Việt Nam” nhằm gây quỹ hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19, chị mở đầu bằng sự hào hứng rằng “lâu rồi mới được chạy” vì các giải Marathon lớn đều hoãn do đại dịch.
Là gương mặt quen thuộc trong làng chạy bộ Việt Nam, nhiều người có thể nghĩ việc Linh Chi nhận lời là hiển nhiên. Nhưng ít ai biết lý do lớn hơn của chị trong chương trình lần này, cho đến khi giọng chị pha chút xúc động khi kể về câu chuyện của mình.
Đó là năm Linh Chi từ bỏ công việc lương cao, vị trí tốt tại tập đoàn lớn để startup. Sau quyết định nghỉ việc, chị vác balo chạy bộ từ Sài Gòn lên Đà Lạt trong 6 ngày. Trong suốt hành trình “hành xác” ấy, những người chị gặp gỡ nhiều nhất chính là những người lao động chân tay trên đường phố hay cánh đồng, những người buôn gánh bán bưng ở hè phố hay vạt cỏ. Những lúc mệt mỏi, họ là người tâm sự, động viên và tặng chị những chai nước, củ khoai … mà dù gửi lại tiền vẫn không chịu nhận.
“Tham gia hành trình lần này không chỉ góp phần kêu gọi đóng góp từ cộng đồng, tôi nghĩ rằng, biết đâu chừng sự đóng góp của bản thân và chúng ta sẽ đến được những con người khó khăn từng giúp đỡ tôi năm ấy”, Linh Chi tâm sự.
Tổ chức một chương trình chạy tiếp sức xuyên Việt là ý tưởng của Sabeco nhằm kêu gọi quyên góp ủng hộ người lao động. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến giữa năm 2020, Việt Nam có gần 31 triệu lao động bị mất việc, giảm thu nhập vì Covid-19. Và Sabeco, một ví dụ trong hàng nghìn doanh nghiệp dù đang kinh doanh ảm đạm vẫn sẵn sàng nghĩ ra nhiều cách để tương trợ cộng đồng.
Họ có thể là doanh nghiệp bất động sản lớn như Nam Long, quyên tiền tỷ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch là các y bác sĩ, chiến sỹ biên phòng, thanh niên xung phong… và lực lượng tuyến đầu trong chính các khu đô thị của họ là nhân viên bảo vệ, vệ sinh… Có khi, chỉ là những doanh nghiệp nhỏ như chuỗi Mia Fruit với nguồn lực “cây nhà lá vườn” đã cặm cụi làm 7.800 chai nước ép trái cây tặng lực lượng y tế. Hay như “hiện tượng” ATM gạo, với sợ trợ lực của PHGLock, mà lan tỏa sang hàng loạt cá nhân, tổ chức và công ty khác.
Doanh nghiệp chuyển hướng kịp thời
Anh Nguyễn Khoa Mỹ, Sáng lập viên và Giám đốc Điều hành của MConsultant, và cũng là Đồng Chủ tịch của VNPR – Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam, cho biết hầu hết các doanh nghiệp, thương hiệu lớn đều có các chương trình nghị sự phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động cộng đồng dài hạn trong chiến lược kinh doanh của họ, có thể kéo dài nhiều năm.
Đến khi đại dịch xảy ra, các thương hiệu đều điều chỉnh lại các chiến dịch dài hơi, chuyển sang các chiến dịch ngắn hạn hơn nhằm giải quyết khó khăn trước mắt mang tính dân sinh hơn. Các hoạt động thường hướng đến giải quyết các nhu cầu thiết yếu của người dân, hỗ trợ lực lượng tham gia phòng chống đại dịch như: bác sĩ, cán bộ y tế, tình nguyện hay những đối tượng đang bị ảnh hưởng: bệnh nhân, người bị cách ly.
Anh Nguyễn Khoa Mỹ kể rằng anh gần đây tham gia tư vấn cho một doanh nghiệp tại Đà Nẵng chuyển đổi từ hoạt động về môi trường sang hỗ trợ cho các y bác sĩ trong đại dịch. Theo anh, đó là chuyển đổi phù hợp, mang tính thực chất và đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.
“Rõ ràng, doanh nghiệp nào cũng gặp khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu này, nhưng cách hành xử nhân văn, sự nhiệt tình trong công tác xã hội cho chúng ta cái nhìn tích cực về cộng đồng doanh nghiệp, đó là ý thức về trách nhiệm của một công dân xã hội, hành động kịp thời, tận dụng nguồn lực của bản thân, tổ chức của mình – từ đó thể hiện được chiều sâu trong hoạt động kinh doanh”, anh Nguyễn Khoa Mỹ đánh giá.
Thực tế, có nhiều thương hiệu lớn đã có sự chuyển đổi hướng đi cộng đồng rất nhanh, theo đó là sự điều chỉnh thông điệp một cách hiệu quả. “Các hoạt động này đã thể hiện tinh thần “tương thân tương ái” cũng như sự tử tế trong cách sống của người Việt Nam. Sự tử tế đôi khi không phải là cái gì quá to tát, nó chỉ đơn giản là những việc làm thiết thực có tác động ngay lập tức, hay một sự động viên sẻ chia trong gian khó”, anh đánh giá đây cũng là một cách làm mà các doanh nghiệp nhỏ hơn, hay thậm chí là từng cá nhân có thể tham khảo làm theo.
Người trẻ cũng có cách của họ
Đâu chỉ có những câu chuyện như bánh mì thanh long “giải cứu” nông sản của ông chủ ABC Kao Siêu Lực hay những cụ ông, cụ bà ngoài 80 quyên góp gạo, rau nhà tự trồng; mà mùa dịch qua, những câu chuyện truyền cảm hứng còn đến từ người trẻ.
Từ những em nhỏ cấp 1, 2 dành toàn bộ tiền tiết kiệm mua khẩu trang gửi tặng đội ngũ y bác sĩ… đến các chương trình tình nguyện có tổ chức chặt chẽ tại các cơ sở y tế và cơ sở chống dịch, các chương trình quyên góp vật chất rất giá trị, các chương trình hiến máu của thanh niên. Và sau hết, bản thân đội ngũ y bác sỹ và cán bộ y tế làm việc ngày đêm ở các điểm nóng, nhiều người trong số họ là những người trẻ.
Theo anh Nguyễn Khoa Mỹ, giới trẻ cũng đã hành động rất tích cực theo cách của họ trong thời gian qua. Và ở đâu đó cũng có những bạn trẻ còn thờ ơ? “Chúng ta sẽ không phán xét rằng giới trẻ vô tâm và ích kỷ, hay họ đã quan tâm đúng mức đến hoạt động cộng đồng hay chưa. Nhưng qua sự tiếp xúc của tôi với các bạn trẻ trong công việc, cũng như đời sống hằng ngày, thì trong thời buổi khó khăn này, một số bạn trẻ thường quan tâm đến công việc và lo lắng về đời sống của mình hơn là các mục tiêu khác nằm ngoài không gian của họ. Đây cũng là điều dễ hiểu, rất con người, và chúng ta không nên đặt nặng vấn đề này”, anh giải thích.
Thế nên theo anh, đối với các bạn trẻ, không nên kỳ vọng họ làm những điều quá to tát, chỉ cần họ làm tốt nhất vai trò của mình. Hãy làm việc tích cực để đảm bảo giá trị của mình trong công việc, đồng thời có ý thức tuân thủ các quy định xã hội để giữ sự an toàn sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, và làm một thành viên có trách nhiệm trong gia đình. “Ngoài ra thì giới trẻ cũng hãy chia sẻ những thông tin đúng, những nội dung nhân văn thì tất nhiên sẽ tốt hơn nữa”, anh nói.
Và một “Kiên cường Việt Nam” cũng không nhằm vào điều gì lớn lao
Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (VNPR), nơi anh Nguyễn Khoa Mỹ làm Đồng chủ tịch, vừa qua đã phát động cuộc thi ảnh “Kiên Cường Việt Nam – Resilient Vietnam” với mục đích lan tỏa những hình ảnh ấn tượng về dân tộc Việt Nam kiên cường trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19. Ban tổ chức nhận bài dự thi đến hết ngày 30/9 và dự kiến sẽ công bố kết quả vào 10/10.
Anh Nguyễn Khoa Mỹ nói rằng họ cũng trên tinh thần tổ chức cuộc thi không nhắm vào một mục tiêu gì quá lớn lao, cũng không phải nhằm tôn vinh nghệ thuật nhiếp ảnh, mặc dù sẽ có thể có các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tham gia.
“Khoảnh khắc “Kiên cường Việt Nam” là để ghi lại những công việc rất nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa trong công cuộc chống Covid, chẳng hạn như là một người chạy xe ôm rất nghiêm túc trong phòng dịch. Những người bán hàng rong vẫn tiếp tục với đời sống mưu sinh nhưng không quên tôn trọng các quy tắc phòng chống”, anh Nguyễn Khoa Mỹ nói rằng đó chính là tinh thần cao nhất của cuộc thi.
Vì lẽ đó nên bất kỳ ai cũng có thể tham gia cuộc thi, dù họ là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc là người chụp ảnh nghiệp dư. “Chúng tôi đề cao nội dung của bức ảnh hơn là yếu tố nghệ thuật. Bởi vì, điều quan trọng là ý nghĩa gì được phản ánh sau mỗi tấm ảnh như là một câu chuyện kể về sự kiên cường của Việt Nam chúng ta”, anh nêu.
Và “Kiên cường Việt Nam” đang nhận được sự đóng góp tích cực của nhiều người trẻ trong việc tổ chức. Anh kể rằng, hầu hết tất cả các khâu trong quá trình thực hiện chiến dịch, từ lên kế hoạch chương trình, kế hoạch truyền thông, thiết kế đồ họa, thiết kế mĩ thuật, kêu gọi tài trợ, mời giám khảo giàu kinh nghiệm, sáng tác ca khúc chủ đề… các bạn đều sử dụng chính tác phẩm mình hoặc kêu gọi sự đóng góp ý tưởng của bạn bè, đồng nghiệp.
“Họ chịu khó tìm tòi, học hỏi, và không ngại khó khăn”, anh nói và ví dụ một bạn rất giỏi về thiết kế đồ họa marketing, nhưng vẫn ý thức phải làm việc tích cực hơn, tham vấn người trong nghề nhiều hơn, mới cho ra được một poster mang tính cộng đồng.
Hay một nhạc sĩ trẻ rất nổi tiếng với nhiều bài hit, nhưng vẫn kiên trì đổ nhiều sức hơn mới cho ra một bài hát không không chỉ có yếu tố giải trí mà thông điệp gửi ra cũng phải ý nghĩa sâu sắc. “Họ làm việc hết mình không phải để được trả lương. Ai cũng thấy được ngọn lửa muốn cống hiến, muốn góp sức của họ trong chiến dịch này”, anh nói.
Anh Nguyễn Khoa Mỹ nói VNPR tổ chức cuộc thi với tinh thần rộng mở và niềm tự hào rất lớn đối với những gì mà Việt Nam đã làm được. “Tôi tin rằng cuộc thi sẽ tìm ra những tác phẩm chất lượng cao. Đó sẽ là những tác phẩm đại diện cho hình ảnh của Việt Nam lan tỏa đến cộng đồng trong nước và nhất là cộng đồng quốc tế”, anh quả quyết.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/quotviec-nhoquot-va-quoty-nghia-toquot-trong-mua-covid-19-6542.html