Việt Nam tăng 13 bậc trên bản đồ khởi nghiệp thế giới

Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam năm nay đứng hạng 59 toàn cầu, tăng 13 bậc so với năm trước, theo xếp hạng của StartupBlink.
Việt Nam tăng hạng trên bản đồ startup toàn cầu
StartupBlink, trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, vừa công bố bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia 2020. Theo đó, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí 59 trên thế giới và hướng tới mục tiêu là trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Tính theo từng thành phố, Thủ đô Hà Nội vào top 200 trung tâm khởi nghiệp trên toàn cầu sau khi tăng 33 bậc, lên hạng 196. TP. HCM đứng thứ 225, trong khi năm trước thành phố này thậm chí chưa có tên trong danh sách.
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam đang trở thành một điểm đến mới cho các startup và quỹ đầu tư nhờ nền kinh tế quốc gia ngày càng phát triển. Đây chính là cơ sở để các doanh nghiệp địa phương thành công và có lợi nhuận ngay trên sân nhà. Tuy nhiên để trở thành một trung tâm khu vực và toàn cầu, Việt Nam sẽ phải tạo ra những đổi mới với tác động rộng lớn. Việt Nam đặt mục tiêu có ít nhất 10 startup kỳ lân vào năm 2030, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trước đó Cento Venture dự báo, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh nhất ASEAN. Năm ngoái, lần đầu tiên giá trị đầu tư vào startup công nghệ tại Việt Nam vượt Singapore. Lượng vốn rót cho các công ty có trụ sở tại Việt Nam chiếm 18% (đạt 741 triệu USD) trong tổng giá trị gọi vốn cho toàn khu vực.
StartupBlink là một trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Đơn vị này hợp tác với các chính phủ, thành phố và các tập đoàn phát triển kinh tế về phát triển, lập bản đồ và điểm chuẩn hệ sinh thái khởi nghiệp cho hơn 100 nước và 1.000 thành phố.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm nay là Mỹ, với số điểm 123,167, bỏ xa 3 nước xếp sau là Anh (24,406), Israel (19,408) và Canada (17,720). Trong khu vực Đông Nam Á, cả Indonesia và Thái Lan giảm lần lượt 13 và 17 hạng xuống vị trí thứ 54 và 50.
Doanh thu dưới 200 triệu được giảm 30% thuế thu nhập
Ngày 19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, với tỷ lệ tán thành hơn 92%. Nghị quyết sẽ có hiệu lực sau 45 ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
Như vậy, Quốc hội đã bỏ tiêu chí về số lao động đóng bảo hiểm để bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và bổ sung đối tượng được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa.
Uỷ ban Tài chính Ngân sách cho biết, với việc mở rộng đối tượng được giảm thuế theo quyết định này, số giảm thu ngân sách Nhà nước năm 2020 tăng từ 15.840 tỷ đồng lên khoảng 23.000 tỷ đồng so với phương án Chính phủ trình.
Trước đó, để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế sau Covid-19, Chính phủ đã chủ động xây dựng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về tài khoá, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... Trong đó gói giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất có giá trị khoảng 180.000 tỷ đồng. Sắp tới, Chính phủ, các bộ, ngành cho biết sẽ có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó vì đại dịch.
Cấm dịch vụ đòi nợ thuê
Ngày 17/6, gần 95% đại biểu biểu quyết thông qua Luật Đầu tư sửa đổi, trong đó có nội dung đưa dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh. Đây là loại hình kinh doanh từng gây nhiều tranh cãi trong quá trình xây dựng Luật Đầu tư sửa đổi. Khi đó, trong quá trình báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật, đa số ý kiến đề nghị cấm, số còn lại thì không và đề nghị đổi tên thành "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ".
Do vậy, Uỷ ban Thường vụ quốc hội từng đưa ra 2 phương án vào dự thảo luật. Cụ thể, phương án 1 là giữ nguyên theo luật hiện hành, quy định dịch vụ đòi nợ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện do dịch vụ này xuất phát từ nhu cầu thực tế cuộc sống.
Phương án 2, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do thời gian qua có nhiều biến tướng dịch vụ này thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực với con nợ, mất trật tự xã hội. Riêng phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn giữ quan điểm đề nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo phương án Chính phủ đề xuất.
Singapore là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Tuần qua, Viện Quản lý phát triển (IMD) tại Thụy Sĩ đã công bố bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2020. Năm nay, Singapore tiếp tục dẫn đầu lần thứ hai liên tiếp, nhờ đầu tư và thương mại sôi động, nền giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc.
Theo sau là Đan Mạch, Thụy Sĩ, Hà Lan và Hong Kong. Khi nhìn vào top 5, IMD đánh giá trong cuộc khủng hoảng hiện tại, các nền kinh tế nhỏ hưởng lợi từ khả năng chống lại đại dịch và sức cạnh tranh về kinh tế. Một phần nguyên nhân vì họ dễ dàng đạt đồng thuận xã hội hơn.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục gây sức ép lên tính cạnh tranh của cả hai quốc gia. Mỹ năm nay tụt hạng từ thứ ba xuống 10. Trung Quốc giảm 6 bậc về 20. Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái cũng xếp hạng Singapore đứng đầu thế giới về về năng lực cạnh tranh. Trong khi, Mỹ lùi về hạng 2 do độ cởi mở thương mại đi xuống.
Xếp hạng của IMD được công bố thường niên từ năm 1989, đánh giá 63 nền kinh tế dựa trên hàng trăm chỉ số. Ngoài các nhóm dữ liệu cứng như tỷ lệ thất nghiệp, chi phí sinh hoạt và chi tiêu, báo cáo còn đánh giá các dữ liệu mềm, lấy từ khảo sát với lãnh đạo doanh nghiệp quốc tế về ổn định chính trị hay bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mỹ cân nhắc thêm gói kích thích 1.000 tỷ USD
Chính phủ Mỹ đang soạn thảo đề xuất đầu tư gần 1.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, như cầu, đường, mạng 5G để hồi sinh nền kinh tế. Luật cấp vốn cho cơ sở hạ tầng hiện tại của Mỹ sẽ phải gia hạn sau ngày 30/9. Vì thế, Chính phủ Mỹ coi đây là cơ hội đưa ra gói kích thích lớn hơn. Dù vậy, đề xuất về gói kích thích mới vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Kinh tế Mỹ đã rơi suy thoái do lệnh phong tỏa nhằm ngăn đại dịch lây lan và các nghị sĩ hai đảng chính phủ Mỹ tranh luận về thời điểm và quy mô tăng kích thích kinh tế. Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang muốn vực dậy nền kinh tế trước thời điểm tái tranh cử. Nhà Trắng đang tìm cách chuyển hướng hỗ trợ trong giai đoạn tới, từ trợ cấp tài chính cá nhân sang các sáng kiến tập trung vào tăng trưởng, như chi cho cơ sở hạ tầng.
Chi cho cơ sở hạ tầng từ lâu là giải pháp được các nghị sỹ ủng hộ vì nó là cách thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, lấy đâu ra tiền cho 1.000 tỷ này cũng là vấn đề. Mỹ không thể tăng thuế nhiên liệu vì chính phủ đang ủng hộ giảm giá xăng dầu và giảm thuế lương cho người dân có thêm tiền mặt chi tiêu mùa dịch.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/viet-nam-tang-13-bac-tren-ban-do-khoi-nghiep-the-gioi-6479.html
---
#CùngNhìnLại: Chỉ đơn giản là giúp bạn điểm lại những chuyển biến của thị trường trong tuần qua để trả lời nhanh các câu hỏi: Ai? Đang làm gì? Và tại sao?
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Grow-hack cho startup Việt
- Qualcomm đầu tư mạnh vào startup Việt
- “Chance to Change - Cơ hội để thay đổi” và những màn “lột xác” Ấn tượng của Top 15 tại Chung kết Startup Wheel 2021