#WeFitDeath: Startup hãy thực tế và thôi mơ mộng!

Ứng dụng kết nối phòng gym WeFit bị khai tử. Câu hỏi lớn được đặt ra, liệu Covid-19 có phải là đòn khai tử các startup non trẻ, hay chỉ là "phát súng chí mạng vào vết thương" đã gắng gượng từ lâu?
Sáng 11/5, Công ty cổ phần Công nghệ Onaclover, chủ sở hữu ứng dụng kết nối phòng gym WeFit, tuyên bố phá sản. Cú ngã ngựa của một startup vốn được coi là "kỳ lân" của Việt Nam gây nhiều tiếc nuối cho giới đầu tư và cộng đồng, dù trước đó tình hình hoạt động của doanh nghiệp này cũng không mấy khả quan.
Từ bài học thất bại của WeFit, startup cần làm gì để trụ lại cuộc chơi? Có lẽ nên thực tế và thôi mộng mơ về khởi nghiệp, bởi trong 100 startup xuất hiện trên thị trường, chỉ có 10% thành công, 30% thất bại, còn 60% ì ạch "sống dở chết dở". Điều gì có thể khiến 10% xuất sắc đó trụ vững, và đâu là lối đi an toàn để những ý tưởng ấp ủ có thể thành hiện thực?
Mô hình kinh doanh "hái ra tiền"
Thời điểm WeFit ra đời, giới fitness tung hô vì từ nay đã tìm thấy sự thuận tiện và linh hoạt trong luyện tập. Khách hàng được tập bất cứ lúc nào, bất cứ môn nào, tại bất cứ trung tâm nào với mức phí hợp lý, còn phòng tập tối ưu được doanh thu.
Thế nhưng, những lợi ích này chỉ là ý tưởng nằm trên giấy, bởi WeFit chưa tìm thấy mô hình kinh doanh hiệu quả. Khách hàng được tập không giới hạn, còn WeFit chi trả cho phòng tập theo số lượt tập luyện. Thậm chí, hãng còn vấp phải nhiều trường hợp "booking ảo", hay một tài khoản được chia sẻ cho hàng chục người cùng tập. Bởi vậy, WeFit càng vận hành càng lỗ.
Vậy mới thấy, ý tưởng sáng thôi chưa đủ, quan trọng hơn cả vẫn là khả năng kiếm tiền. Một doanh nghiệp xác định rõ khách hàng mục tiêu và tìm ra cách thoả mãn đối tượng này để họ sẵn lòng chi tiền có thể tìm thấy chỗ đứng. Và chiến lược quản lý vận hành hiệu quả, có thể kiểm soát tối ưu các rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp trụ lại lâu dài.
Chiến lược sử dụng vốn thông minh
Nếu sự sụp đổ của WeFit nằm trong dự báo của các nhà đầu tư từ nhiều tháng qua, thì cú ngã của WeWork thật sự đánh động giới khởi nghiệp. Đây là minh chứng rõ nhất cho vấn đề mà nhiều startup đang gặp phải: thiếu tư duy quản lý tài chính. Nền tảng đi đầu trong mô hình văn phòng chia sẻ này từng được định giá 47 tỷ USD trước khi sụt giảm 75% giá trị chỉ trong nháy mắt.
Không có gì gợi nhớ hơn về WeWork ngoài những lần chi tiêu bất hợp lý và liều lĩnh. Những khoản đầu tư của ông trùm công nghệ Nhật Bản SoftBank được WeWork tiêu tốn vào các tòa nhà trên khắp thế giới mà không có chiến lược cụ thể. Năm này qua năm khác, WeWork ôm về số lỗ gần như tương đương doanh thu gặt hái được.
Thực tế, tài chính là nguồn sống của mỗi công ty, và sử dụng nguồn tiền thông minh để sinh lời là yếu tố quyết định. Trong một khảo sát với 135 dự án startup thất bại của CB Insights, 29% đơn vị cho biết đã tiêu hết tiền mặt trước khi dự án sinh lời, 18% có sai lầm trong tính toán giá cả/chi phí và hơn 8% không chú trọng yếu tố tài chính. Rõ ràng, thất bại trong việc lên kế hoạch tài chính chính là lên kế hoạch cho sự thất bại của mình.
Sự tỉnh táo trước hào quang
Cũng trong khảo sát của CB Insights, có 85% startup thất bại thừa nhận từng ngạo mạn vì tính đột phá của ý tưởng kinh doanh. Tự tin là yếu tố cần thiết để tạo tiền đề cho thành công, nhưng quá tự tin lại là rào cản lớn.
Nhiều startup gọi vốn thành công được truyền thông tung hô, kỳ vọng về một "kỳ lân" mới, rồi cứ thế chìm dần trong hào quang của truyền thông trước khi thật sự tạo ra thành công. Ít người nhận ra, để tiếp tục thành công ở các vòng gọi vốn tiếp theo, điều các nhà đầu tư quan tâm hơn cả là kết quả vận hành thực tế của dự án.
Câu chuyện về cú lừa của cô sinh viên Stanford 19 tuổi Elizabeth Holmes và startup thiết bị y tế Theranos có lẽ không còn xa lạ. Cộng đồng và báo chí liên tục thổi phồng Theranos như một liều thuốc cứu cánh cho hệ thống y tế Mỹ, còn Elizabeth mải mê đắm chìm trong đó mà quên mất thiếu sót trong chính hệ thống kỹ thuật của mình. Sự tung hô của truyền thông, nếu không được nhìn nhận hợp lý, có thể tạo ra những "bong bóng startup" có thể vỡ ra bất cứ lúc nào.
---
#HocTuThatBai luôn là những bài học quý giá cho hành trang khởi nghiệp. Bạn sẽ đúc kết kinh nghiệm từ thất bại của những startup đình đám, những chiến dịch truyền thông quảng cáo kinh điển hay sự sụp đổ của những "đế chế" kinh doanh một thời… qua góc nhận định sâu xa của những chuyên gia đầu ngành.
Theo Văn Nghệ Trẻ online
Xem thêm:
- Chuyên gia Đoàn Kiều My: Startup DeepTech Việt Nam chưa thể tự tiếp thị về mình với nhà đầu tư
- Bill Reichert cho rằng để gọi vốn đầu tư thành công chỉ nên trình bày dự án trong 20 giây
- Đừng bỏ quên sức khỏe tinh thần trong đại dịch
- “Sức khỏe” doanh nghiệp Việt đang dần hồi phục; Kinh tế toàn cầu sắp thoát đáy...
- Huỳnh Công Thắng: đi tìm giá trị khởi nghiệp cho giới trẻ
- Chuyện khởi nghiệp của Phan Thị Bích Tâm
- Thêm 22 startup “kỳ lân” mùa Covid-19
- Khiêu vũ cùng “kỳ lân”
- Top 10 cuộc thi NTT Startup Challenge 2020
- Meet the Top 10 NTT Startup Challenge 2020 Finalists
- Những startup Việt đầy tham vọng
- Grow-hack cho startup Việt