MAGAZINE
Phạm Thị Diệu Anh, Managing Director của AIM Academy, với gần 15 năm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia tầm vóc, nhưng đã chọn bắt đầu con đường khởi nghiệp đầy thử thách. “Có những lúc mình nghi ngờ bản thân là kẻ thất bại, kém cỏi năng lực. Rằng liệu con đường mình chọn đã sai, có nên từ bỏ và làm điều khác hoặc đi làm thuê trở lại?” là những dấu hỏi người phụ nữ này từng đặt ra cho mình suốt 5 năm qua. Và kết quả đã như thế nào?
NGƯỜI TẬP TÀNH ĐI DÂY “HÃO HUYỀN”
“5 năm trước mình là người tập tành đi dây thăng bằng. Các bạn hãy hình dung một sợi dây dài, có điểm đầu và điểm cuối, sợi dây võng xuống, chòng chành trong một không gian rộng lớn. Và mình tập đi những bước đi đầu tiên. Đó là cách mình nhìn nhận về hành trình xây dựng doanh nghiệp của riêng mình, khó khăn và chơi vơi như đi dây thăng bằng vậy.” Nhiều câu hỏi được đặt ra với thái độ e dè dành cho sự lựa chọn của chị Diệu Anh vào thời điểm chuyển giao đầy lắt léo, rằng đường nhựa phẳng phiu sao không đi? Sao lại chọn đánh đu trên sợi dây nhiều nguy hiểm đến thế?
Và với 15 năm làm việc tại những tập đoàn truyền thông đa quốc gia, đến thời điểm then chốt, chính người phụ nữ này cũng đã phải tự hỏi giá trị của mình là gì, giá trị của mình sử dụng vào đâu là tốt nhất; để rồi đi đến quyết định rời bỏ môi trường an toàn hiện tại để tìm một môi trường mới, dùng giá trị của bản thân trong một hoàn cảnh khác nhằm giải quyết một vấn đề cho xã hội.
Suy nghĩ đấy cũng là điểm chốt giúp hình thành nên AIM Academy – nơi tập hợp những người “biết nhiều” về Marketing & Communication để chia sẻ cho những người “biết ít” hoặc “chưa biết” về marketing một cách hệ thống và thực tế nhất, giải quyết vấn đề cấp bách về ứng dụng marketing, đặc biệt là digital marketing một cách hiệu quả trong kinh doanh.
“Khi ấy mình hình dung doanh nghiệp của mình sau 5 năm sẽ có tên tuổi nhất định trong mảng đào tạo về Marketing & Communication tại Việt Nam, giống như tập đoàn mà mình vừa bước ra với vị thế nhất định trong làng quảng cáo Việt.” – Diệu Anh với tham vọng có phần “hão huyền” của một con người đầy nhiệt huyết nhưng cũng thiếu thực tế của ngày trước, chia sẻ.
Để rồi khi sản phẩm ra mắt không được đón nhận, doanh thu và lợi nhuận “căng thẳng” ngay từ năm đầu tiên đã thực sự khiến “sợi dây” cô đang cố giữ thăng bằng kia rung lắc dữ dội, gió và bão kéo đến, bước đến đâu ngã đến đấy, chẳng có gì diễn ra như mình mong muốn mới khiến cô bừng tỉnh.
“AI RỒI CŨNG SẼ LỚN, CÓ NGƯỜI LỚN NHANH, CÓ NGƯỜI LỚN CHẬM”
Dù ví von hay thực tế thì hành trình đi dây thăng bằng chắc chắn không tránh khỏi nhiều chóng mặt và té ngã. Thế nhưng đổi lại cho những “vết sẹo” đã đầy lên, những “vết chai” đang bồi đắp hay những khi làm việc hơn 14 giờ mỗi ngày và không bao giờ được chợp mắt trước 12 giờ khuya trong 5 năm qua là kết quả có phần đáng tự hào.
Theo đó, hơn 5,000 nhân sự đã chọn AIM Academy là nơi để phát triển kỹ năng nghề nghiệp và con số này đã bổ sung vào nguồn nhân lực cho ngành Marketing & Communication vốn đang rất “đói người”. Chị Diệu Anh cũng không quên chia sẻ đầy tự hào khi AIM Academy đã xây dựng được đội ngũ nhân sự đang say sưa theo đuổi mục đích lớn, đó là nâng tầm chuẩn mực của ngành Marketing & Communication Việt Nam ngang tầm với khu vực và thế giới.
“Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, mình đã trưởng thành hơn và biết nhiều hơn một chút. Bên cạnh kiến thức còn là sự rèn luyện về thái độ, cách nhìn nhận sự việc điềm đạm và bao dung hơn. Mình tâm niệm một điều, chúng ta ai rồi cũng sẽ lớn, có người lớn nhanh, có người lớn chậm, có người chỉ già đi mà không lớn lên được. Mình lạc quan với kết quả hiện tại nhưng chưa thực sự gọi là hài lòng, vì còn nhiều việc phải trì hoãn do yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Hi vọng, 5 năm sắp tới mình sẽ lớn nhanh hơn nữa để làm hết những điều ấp ủ.” – chị Diệu Anh trải lòng.
“Tôi biết nguồn tài chính của cô eo hẹp, nhưng tôi tin với đam mê của cô, cô sẽ làm tốt việc xây dựng hình ảnh Cannes Lions tại Việt Nam”– câu nói của ông Terry Savage – chủ tịch Liên hoan Quảng cáo Sáng tạo danh giá nhất toàn cầu Cannes Lions – có lẽ là dấu son đáng nhớ nhất được chính Diệu Anh khẳng định trong 5 năm qua. Cô được ông tin tưởng trao quyền đại diện của Cannes Lion cho AIM Academy tại Việt Nam, và có vẻ như trải qua hơn 5 năm, AIM Academy đã không làm ông Terry Savage thất vọng.
“Chúng tôi đã tổ chức 5 cuộc thi tìm kiếm tài năng sáng tạo trẻ ở quy mô toàn quốc, thu hút hơn 3,500 thí sinh tham gia, phát hiện ra 90 bạn trẻ xuất sắc, và đề cử các bạn thi đấu tại các đấu trường quốc tế. Các bạn trẻ đã mang về những tấm huy chương Bạc và Đồng đầu tiên, ghi dấu tên tuổi của Việt Nam trên bản đồ sáng tạo thế giới.” – Diệu Anh lần nữa tự hào về những nỗ lực của tập thể mình.
KIÊN ĐỊNH VÀ CÔ ĐỌNG VỚI MỤC TIÊU, NHƯNG HÃY SẴN LÒNG THAY ĐỔI
Việc đặt ra mục tiêu là động thái bất di bất dịch của câu chuyện doanh nghiệp. Đào sâu vào vấn đề này, có thể nhận định việc phân chia mục tiêu lớn – nhỏ và mục tiêu dài hay ngắn hạn là không đồng nghĩa. Mục tiêu lớn luôn là mục tiêu kinh doanh (Business objective), tức câu trả lời cho việc doanh nghiệp sẽ đạt được doanh thu bao nhiêu, tăng trưởng bao nhiêu? Còn mục tiêu nhỏ là mục tiêu được chia ra cho từng phân mảng của doanh nghiệp, xem mỗi bộ phận đóng góp như thế nào vào mục tiêu lớn.
Người làm chủ doanh nghiệp lúc nào cũng đứng trước bài toán đặt ra mục tiêu vừa sức hay tham vọng. Tham vọng thì mới tạo sự bứt phá trong tăng trưởng, nhưng liệu tham vọng quá thì có vượt ngoài trữ lượng nhu cầu của thị trường, có phù hợp với năng lực của đội ngũ nhân sự? Nhưng nếu chỉ vừa sức thì nguồn lực của mình có được sử dụng tối ưu?
“Đối với AIM Academy, những năm đầu mình đặt ra mục tiêu thật tham vọng để thử sức “căng” của doanh nghiệp mình. Sau đó mình điều chỉnh, dò ra mức “vừa sức”. Đến bây giờ khi đã rõ điểm “vừa sức” ở đâu, mình điều chỉnh tăng dần lên để toàn bộ bộ máy phải vượt qua 1 ngưỡng cao hơn. Điều này cũng giống như tập xà vậy. Định được điểm cao nhất và thấp nhất, rồi mỗi giai đoạn chúng ta nâng dần mức xà để vươn đến mục tiêu cao hơn.” – Chị Diệu Anh trình bày.
Nói tiếp về phương diện “truyền lửa”, một người đã trải qua đầy đủ hỉ – nộ – ái – ố khi chấp nhận từ bỏ công việc ổn định ở tập đoàn để tự vận hành một doanh nghiệp riêng, chấp nhận bước lên một “chuyến tàu” khởi nghiệp đầy gian nan như chị Diệu Anh có thể nói gì để thổi bùng những khối óc cũng đang nuôi lấy sự “hão huyền”:
Giữa mơ mộng hão huyền và mù quáng cũng rất gần nhau, nhưng mình tin để vẽ ra được lằn ranh ấy, trước tiên cứ phải nỗ lực hết mình. Bằng kinh nghiệm của bản thân, mình có gợi ý nhỏ để các bạn trẻ có thể tự đánh giá ranh giới giữa hão huyền và mù quáng một cách đơn giản. Bất kỳ ý tưởng kinh doanh nào cũng cần phải trả lời được 2 câu hỏi: Nó đáp ứng được nhu cầu gì cho xã hội? Nó có cơ hội để nhân rộng hay không? Việc thích nghi với môi trường phức tạp bên ngoài là sự lăn lộn, và việc trưởng thành là sự trả giá, nhưng là sự trả giá thật xứng đáng!”
Hành trình “tự đi trên dây” không đồng nghĩa không cần sự giúp đỡ. Việc tìm đến những người thầy hướng dẫn, những chuyên gia tư vấn, những người bạn động viên đã đóng góp rất nhiều trong hành trình của chị Diệu Anh:
“Cứ gõ, cửa sẽ mở. Mình tìm đến họ và xin lời khuyên hoặc xin góp ý từ chuyên môn cao của họ. Những ý kiến, những góc nhìn đa dạng giúp mình nhìn nhận vấn đề đa chiều, để cuối cùng ra quyết định một cách thấu đáo hơn. Và tất nhiên, khi ai đó sẵn lòng giúp đỡ mình miễn phí, thì phải luôn tìm cách trả ơn; khi ai đó cần bạn phải “trả phí”, hãy cân nhắc khoản phí đó phải phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, cứ ‘liệu cơm gắp mắm’.”
Hành trình 5 năm đầy chao đảo, loạng choạng và ngã đau nhưng đã đổi lại cho chính chị Diệu Anh cùng tập thể của mình biết bao điều giá trị, vô hình rèn luyện cho đôi chân vững chắc và đôi tay ngày một dẻo dai:
“Không có 5 năm ấy, làm sao mình có ngày hôm nay? 5 năm tới mình mong muốn những bước đi sẽ thoăn thoắt hơn, nhanh hơn, để mình sẽ đến được đỉnh núi khao khát. Đó chính là lúc AIM Academy phát triển ở quy mô lớn hơn, nhiều chi nhánh hơn, nhiều khóa học hơn, để đem đến kiến thức marketing cho nhiều bạn trẻ và nhiều doanh nghiệp. Để đạt được điều đó mình không thể một mình ‘múa trên dây’ được, mà cả tập thể phải vững mạnh và khéo léo hơn. 5 năm vừa qua là quá trình mày mò để ra được 1 nền tảng sơ khởi, 5 năm tiếp theo là sự vận hành và cải tiến.”
Để “chạm đến đích” không nguyên tắc nào rõ ràng hơn việc “không để lạc mất đích đến” của mình. Điều này tưởng hiển nhiên nhưng chính những lúc xoay trở, vật lộn bởi nhiều chướng ngại vật dễ làm mình quên mất mục tiêu lớn:
“Doanh nghiệp nào cũng có quá nhiều ưu tiên, nhiều việc khẩn cấp, vừa xây dựng đội ngũ nhân sự, vừa xây dựng quy trình kinh doanh, lập kế hoạch marketing, thiết lập hệ thống kế toán, đang làm việc hối hả thì nhân sự biến động, một vài người ra đi thế là phải gác lại mọi việc để tập trung tuyển nhân sự, lấp vào chỗ trống. Từ đó nhịp đi của mình chậm lại và đôi khi lạc hướng. Mỗi ngày, dù rất nhiều việc hãy nhớ đến đích đến cuối cùng. Và mọi công việc hiện tại phải đóng góp vào hành trình để đi đến mục tiêu lớn.”
Đôi lúc chạy xe ngoài đường, chúng ta còn thường phải tự hỏi mình có đang đi lạc hay không nếu lỡ đi hơi xa, thì huống chi là hành trình khởi nghiệp đầy trắc trở:
“Có những lúc mình nghi ngờ bản thân là kẻ thất bại, kém cỏi năng lực. Rằng liệu con đường mình chọn đã sai, có nên từ bỏ và làm điều khác hoặc đi làm thuê trở lại? Nhưng rồi mình ngộ ra một điều là không nên ra quyết định khi đang ‘thối chí! Hãy ngủ một giấc, sau khi tỉnh dậy, đầu óc minh mẫn, tinh thần lạc quan, lúc ấy ý chí sẽ mách bảo bạn kiên định tiếp.”
Nhưng có thể nói rằng kiên định không đồng nghĩa với khăng khăng không thay đổi. Bản thân chị Diệu Anh cũng tin rằng nếu mục tiêu đó khi triển khai thực tế lộ rõ điểm chưa phù hợp thì nên sẵn lòng thay đổi, và chỉ nên thay đổi mục tiêu nhỏ. còn mục tiêu lớn thì vẫn cần phải giữ vững:
Từ những vấp ngã, con người ta bị thương không chỉ để biết đau mà còn phải biết nhìn ra và khắc sâu những sai lầm để tránh đi lại “vết xe đổ”:
Sai lầm đầu tiên là việc chọn đối tác đi chung đường
Theo chị Diệu Anh, việc tìm đúng người để trao đổi, bàn bạc, cùng nhau chung sức vượt qua khó khăn vô cùng quan trọng, tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn tìm thấy được, vì khi có sự khác nhau về kinh nghiệm, mục tiêu, chuẩn mực… sẽ làm cho cả hai không thể đi cùng trên một sợi dây thăng bằng. Do đó bài học về tìm ‘partner’ là vô cùng đắt giá. Nếu chưa tìm được ai đồng điệu ‘đu dây’ cùng mình thì đừng vồ vập, hấp tấp; bạn phải tự tin rằng ‘mình đi được 1 mình’, và khi thấy ai đó có thể phù hợp, thì thẳng thắn mời họ ‘đu dây’ cùng mình với thời gian thử thách dài nhất có thể để biết có thể cùng chung nhịp điệu hay không.
Bài học về sai lầm thứ hai chính là bị lung lạc vì ‘nhiễu’
Nhiễu từ bên ngoài như chê bai, chỉ trích điều mình đang làm; nhiễu từ bên trong khi bản thân có những lúc quá nản lòng và mất niềm tin. Điều duy nhất để tránh nhiễu là gạt đi những phiền nhiễu, để thứ âm thanh duy nhất điều khiển được chính mình đó là tiếng nói ‘Cố lên, mình sẽ làm được!’.
Sai lầm thứ ba – điều thường được giấu diếm lại chính là niềm kiêu hãnh và ngạo mạn
Chúng ta cần sự kiêu hãnh để tự tin, nhưng kiêu hãnh quá sẽ làm mình ngạo mạn và từ chối học hỏi từ người khác. Ai cũng có thể có quá khứ hào hùng, có những thành tích được ghi nhận – tung hô, nhưng điều đó không có nghĩa bạn là người giỏi và thành công. Ai cũng ở trong một cái giếng nhất định, có người ở miệng giếng to, có người ở miệng giếng nhỏ. Sự kiêu ngạo dễ dẫn đến sự phát xét và tự tôn mình, nên điều tiết sự kiêu hãnh của bản thân để không khỏa lấp khả năng học và phấn đấu mỗi ngày.
Nguồn: http://vannghetre.com.vn/pham-thi-dieu-anh-nguoi-di-day-hao-huyen-kien-dinh-voi-muc-tieu-nhung-san-long-thay-doi-6552.html